Năm 2007, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm của ngành theo Chỉ thị 01/2007/CT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp gắn với thực hiện Chương trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp của tỉnh. Kết quả thực hiện cho thấy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền PBGDPL và các hoạt động hành chính tư pháp như công chứng, chứng thực, thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp.
Góp phần cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở địa phương, Sở đã phối hợp với Văn phòng UBND lập Chương trình xây dựng Quyết định, Chỉ thị năm 2007 của tỉnh với 41 văn bản, xác định rõ nội dung, thời gian ban hành và cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản. Kết quả đã soạn thảo 10 văn bản phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước của tỉnh trong lĩnh vực tư pháp; thẩm định 141 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, tăng 3,5 lần so với kế hoạch; Giúp UBND tỉnh thực hiện tự kiểm tra 99 Văn bản do HĐND-UBND tỉnh ban hành; Kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền 210 văn bản; Thực hiện rà soát 655 văn bản QPPL. Qua đó, đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 01 văn bản, bãi bỏ 04 văn bản.
Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện 4 Đề án thuộc Chương trình 212 của Chính phủ; Tham mưu cho TU và UBND tỉnh sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban bí thư và Chỉ thị 25-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp trong tỉnh đã tổ chức triển khai kịp thời 27 văn bản pháp luật gồm các Luật mới được Quốc hội thông qua trong năm 2006-2007 và một số văn bản khác nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị- xã hội trong năm, trong đó có các văn bản pháp luật được tập trung triển khai rộng như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Cư trú; Luật Bảo hiểm xã hội; Triển khai có hiệu quả các hình thức phổ biến GDPL đa dạng khác như : biên soạn 24 loại đề cương, tài liệu, in 4.800 sách pháp luật, 20.000 tờ bướm tuyên truyền Luật Bầu cử ĐBQH, 10.000 sách nhỏ hỏi- đáp giới thiệu Luật Cư trú; cung cấp cho các địa phương 750 băng cassette; Thực hiện 36 kỳ phát chuyên mục pháp luật trên Đài phát thanh truyền hình; 120 bài giải đáp, giới thiệu pháp luật trên Báo An Giang, phát hành 2 Bản tin tư pháp với số lượng 2.000 cuốn; phát thanh các chuyên mục pháp luật trên Đài truyền thanh xã được 25.993 giờ phát; thực hiện 7.786 cuộc tuyên truyền miệng có 216.621 lượt người tham dự.
Công tác hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích nhỏ, góp phần giữ vững và ổn định trật tự an toàn xã hội, tăng cường đoàn kết trong nội bộ quần chúng nhân dân ở địa bàn dân cư. Các Ban hoà giải , Tổ Hoà giải trong tỉnh đã tiếp nhận 6.330 việc, đưa ra hoà giải 5.586 việc, hoà giải thành 4.601 việc, đạt 82,3% số việc được hoà giải. Nhìn chung, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân, tác động tích cực đến đời sống kinh tế- xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu cải cách hành chính trong hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, Sở đã tập trung xây dựng và bước đầu áp dụng các Quy trình thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong hoạt động Công chứng, Hộ tịch; Quy trình xây dựng, thẩm định văn bản; Quy trình bán đấu giá tài sản; Quy trình giải quyết hồ sơ thi hành án; Quy trình tiếp dân và giải quyết khiếu nại; các Quy trình, thủ tục hành chính khác theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết các loại việc có liên quan trong ngành tư pháp được quy định tương đối rõ ràng, giảm bớt một số thủ tục, giấy tờ không cần thiết, giảm bớt thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong quan hệ và thực hiện các yêu cầu về thủ tục hành chính tư pháp; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan và công chức trong ngành. Kết quả đã đạt được:
- Hoạt động công chứng, chứng thực: 02 Phòng công chứng thuộc Sở đã thực hiện 42.614 việc với 208.092 văn bản, thu lệ phí 1.239.515.000 đồng. Ở cấp huyện đã chứng thực được 67.841 việc; cấp xã chứng thực 110.849 việc. Nhìn chung, sau khi Luật Công chứng có hiệu lực pháp luật và Chính phủ ban hành Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, tình trạng “quá tải” trong hoạt động công chứng, chứng thực đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân, nhất là các yêu cầu về chứng thực, sao y đối với các loại việc đơn giản;
- Công tác hộ tịch : Sở Tư pháp đã thực hiện 8.768 vụ việc về hộ tịch. Trong đó : Xác nhận các loại 2.891 vụ, trích lục 3.526 vụ, lý lịch tư pháp 1.435 vụ, khai sinh có yếu tố nước ngoài 53 vụ, khai tử có yếu tố nước ngoài 09 vụ, xác nhận quốc tịch Việt Nam 13 vụ, ghi chú kết hôn 99 vụ, nhận con ngoài giá thú 29 vụ, trích lục kết hôn có yếu tố nước ngoài 206 vụ, con nuôi có yếu tố nước ngoài 02 vụ, kết hôn có yếu tố nước ngoài 505 vụ. So cùng kỳ năm 2006, số lượng việc tăng 1.894 việc ( 21,6%), lý lịch tư pháp tăng 644 trường hợp ( 44,8%), kết hôn có yếu tố nước ngoài tăng 215 vụ ( 42,5% ). Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện : Đăng ký khai sinh 27.739 trường hợp, khai tử 9.469 trường hợp, kết hôn 12.230 trường hợp, các việc khác về hộ tịch 37.019 việc. Nhìn chung, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “ một cửa” trong công tác hộ tịch của Sở có những chuyển biến tích cực, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho công dân : Hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài được giải quyết sớm hơn 10 ngày, cấp phiếu lý lịch tư pháp sớm hơn 5 ngày, trích lục các giấy tờ về hộ tịch thuộc thẩm quyền Sở Tư pháp sớm hơn 7 ngày so với quy định.
- Hoạt động bán đấu giá tài sản: Trung tâm DVBĐGTS tỉnh đã ký kết 159 Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh với gần 4.000 mục tài sản, hàng hoá các loại, trong đó có 129 hợp đồng với các cơ quan thi hành án dân sự. Trung tâm đã tổ chức thành công 26 phiên bán đấu giá các loại tài sản Nhà nước được phép thanh lý; tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản do các cá nhân, cơ quan, tổ chức uỷ quyền với tổng giá trị đã bán đấu giá thành là 42.723.106.770 đồng, tăng 7,9% so với giá khởi điểm, vượt 42,4% so với chỉ tiêu cả năm.
- Thực hiện chức năng giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư, Sở Tư pháp đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 08 Văn phòng Luật sư, nâng tổng số Văn phòng Luật sư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 22 văn phòng có tổng số 42 Luật sư và 8 trường hợp tập sự hành nghề luật sư.
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp v/v triển khai thi hành Pháp lệnh về Giám định tư pháp và Nghị định số 67/NĐ-CP ngày 19/05/2005 của Chính phủ, UBND tỉnh quyết định giải thể 04 tổ chức giám định, thành lập mới Phòng Giám định pháp y với 13 Giám định viên và Phòng giám định Pháp y tâm thần với 03 Giám định viên. Đề nghị và đã được Bộ tư pháp cấp thẻ cho 11 Giám định viên thuộc các lĩnh vực Giám định kỹ thuật- hình sự; Giám định văn hoá nghệ thuật; Giám định xây dựng. Trong năm qua, các tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện 1.282 vụ việc giám định các loại phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Trung Tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tiếp tục được kiện toàn tổ chức theo Luật TGPL và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật. Về tổ chức Trung Tâm hiện có 06 Biên chế, có Giám Đốc, Phó GĐ, đang đề nghị bổ nhiệm 01 Trợ giúp viên pháp lý. Ở cấp huyện có 11 Tổ TGPL với 130 Thành viên, cấp xã có 39 Câu lạc bộ TGPL với 456 thành viên. Trong năm, Trung Tâm đã đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các ngành, các địa phương trong hoạt động trợ giúp pháp lý như có Kế hoạch thực hiện hoạt động TGPL lưu động, phát triển thêm các Câu lạc bộ TGPL ở cơ sở, tiếp cận giúp đỡ cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài trở về. Kết quả đã thực hiện 7.179 vụ, việc trợ giúp pháp lý, trong đó, cấp tỉnh thực hiện 1.327 trường hợp; cấp huyện và cơ sở thực hiện 5.852 trường hợp, trợ giúp pháp lý cho 5.387 trường hợp thuộc diện nghèo, 46 đối tượng chính sách, 82 người dân tộc thiểu số, còn lại là các đối tượng khác .
- Công tác thi hành án dân sự: Tổng số thụ lý là 10.796 việc, đã giải quyết 8.225 việc/8.524 việc có điều kiện, đạt 96,4% so với số việc có điều kiện thi hành, trong đó thi hành xong hoàn toàn 6.192 việc, đạt 81,29% so với số việc có điều kiện thi hành. Số lượng án tồn chuyển năm sau là 4.604 việc, trong đó có 3.020 việc chưa có điều kiện thi hành, phần lớn do người phải thi hành án không có tài sản, một số cố tình chây ỳ, tránh né nghĩa vụ phải thi hành án, còn lại 1.584 việc đang giải quyết dở dang. Tổng số tiền và hiện vật đã thi hành án được 68.551.449.000 đồng, đạt 56,09% so với số có điều kiện thi hành.
- Công tác kiện toàn tổ chức, xây dựng ngành : Sở Tư pháp hiện có 55 biên chế hành chính và 14 biên chế sự nghiệp. Trong đó, có 80% cán bộ, công chức đã tốt nghiệp ĐH. Toàn tỉnh có 11 phòng tư pháp, với 48 cán bộ, công chức, hầu hết đều có trình độ chuyên môn Cử nhân luật hoặc Cử nhân Hành chính. Cấp xã có 238 cán bộ TP-HT, trong đó: 11,7% có trình độ Cử nhân Luật; 3,7% có độ cử nhân chuyên ngành khác; 33,6% có trình độ Trung cấp luật, số còn lại chưa qua đào tạo. Sở đã tiến hành xây dựng xong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành giai đoạn 2006-2010; Đưa đi đào tạo sau Đại học 02 cán bộ, cử 25 cán bộ, công chức dự học các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước và lý luận chính trị chương trình trung, cao cấp.
Trên cơ sở xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp và cải cách hành chính đối với lĩnh vực công tác của ngành và đặc điểm tình hình địa phương, Sở Tư pháp đã xác định việc đẩy mạnh cải cách hành chính là tiền đề để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, từ đó, đã có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2007.
Trần Hải Quân