Sau khi có Chương trình hành động về bảo đảm an toàn giao thông của tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và lập dự toán kinh phí cho việc triển khai thực hiện Chương trình an toàn giao thông, đồng thời chỉ đạo các Phòng, đơn vị thuộc Sở; Phòng Tư pháp, Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trong tỉnh tích cực, chủ động thực hiện tốt những nội dung cơ bản của Kế hoạch.
Trên cơ sở nội dung Kế hoạch, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của địa phương mình trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện về an toàn giao thông. Các đơn vị trong toàn ngành Tư pháp đã quán triệt những nội dung cơ bản của pháp luật về an toàn giao thông đến từng cán bộ, công chức trong đơn vị.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân từng bước nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức pháp luật, nâng cao trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ an ninh trật tự xã hội là một yêu cầu quan trọng trong tình hình hiện nay. Thực hiện Chương trình hành động của tỉnh về công tác bảo đảm an toàn giao thông, Sở Tư pháp đã chỉ đạo các Phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng Tư pháp, Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông và đạt được kết quả cụ thể như sau:
- Thực hiện Kế hoạch số 32/KH- BATGT ngày 12/4/2007 của Ban an toàn giao thông tỉnh về việc tổ chức tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ nhất, Giám đốc Sở Tư pháp yêu cầu: Thủ trưởng các đơn vị trong ngành tăng cường công tác giáo dục cán bộ, công chức nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện tốt Kế hoạch số 32/KH- BATGT ngày 12/4/2007 của Ban an toàn giao thông tỉnh. Cán bộ, công chức trong ngành khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy trên đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì phải đội mũ bảo hiểm; không điều khiển môtô, xe gắn máy khi đã sử dụng rượu, bia và các chất kích thích; không có Giấy phép lái xe không điều khiển xe môtô; đi môtô, xe gắn máy đúng làn đường, không chở quá số người quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm tốc độ tối đa cho phép. Việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông được coi là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua của tập thể đơn vị và cá nhân năm 2007. Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông.
- Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và các văn bản có liên quan, nhất là trong tháng an toàn giao thông. Trong năm qua Sở Tư pháp đã phối hợp với Báo Bắc Giang, Đài PT- TH tỉnh thực hiện 05 chuyên trang, 24 chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” và các chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”, “Giải đáp pháp luật”,…trong đó tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật về đất đai, an toàn giao thông, thi hành án dân sự,…và các văn bản mới ban hành phù hợp với tình hình chính trị- xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã thường xuyên phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ tại cơ sở; Phối hợp với Sở Giáo dục- đào tạo mở lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong đó có Luật giao thông đường bộ, qua đó giúp cho đội ngũ giáo viên nắm chắc, sâu những nội dung cơ bản pháp luật về an toàn giao thông nói riêng và các văn bản pháp luật nói chung nhằm từng bước đưa pháp luật vào các trường học như một môn học. Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường thành lập mới và hướng dẫn các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, tệ nạn xã hội trong các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ. Để trang bị thêm tài liệu tuyên truyền pháp luật cho cơ sở, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật đã tham mưu lãnh đạo Sở tiến hành biên soạn và phát hành hàng trăm cuốn Hỏi- đáp pháp luật về giao thông đường bộ, hàng ngàn tờ gấp, tờ rơi pháp luật về phòng chống tội phạm; rà soát và bổ sung các đầu sách pháp luật về giao thông cho Tủ sách pháp luật các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện việc luân chuyển sách pháp luật từ Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn đến các điểm Bưu điện Văn hoá xã theo Kế hoạch liên ngành số 19/KHLN-TP-BĐ ngày 24/3/2005 giữa Sở Tư pháp và Bưu điện tỉnh. Trong các số Bản tin Tư pháp phát hành năm 2007 nội dung tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông được ưu tiên.
- Ngoài ra, để tăng cường và mở rộng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả đến vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã thường xuyên chỉ đạo Trung tâm trợ giúp lý của Nhà nước tỉnh đã tổ chức được trên 30 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn, trong đó có lồng ghép tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở. Chi đoàn Sở Tư pháp phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh tổ chức buổi trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành tại xã, phường, thị trấn.
- Trên cơ sở Kế hoạch tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông của Sở Tư pháp, của UBND cùng cấp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai thực hiện tại địa phương; thường xuyên phối hợp với Đài truyền thanh huyện và chỉ đạo hệ thống loa truyền thanh cơ sở tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, đồng thời trực tiếp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tới tận cơ sở thông qua việc lồng ghép với các Hội nghị cơ sở.
Nhận xét đánh giá chung
Nhìn chung, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về an toàn giao thông nói riêng. Năm qua thực hiện Chương trình hành động của tỉnh về an toàn giao thông, Sở Tư pháp đã tham mưu, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, góp phần tích cực trong công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và trong ngành Tư pháp nói riêng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như:
- Các chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giữa các cấp, các ngành triển khai còn chậm, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
- Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa phong phú, còn mang tính thời vụ, chưa thường xuyên.
Để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới, ngành Tư pháp tập trung thực hiện tốt một số nội dung cụ thể như sau:
1- Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tới toàn thể cán bộ, công chức trong ngành; đồng thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt; các quy tắc, luật lệ an toàn giao thông tới cán bộ, công chức trong ngành; xử lý kỷ luật nghiêm đối với những trường hợp cán bộ, công chức trong ngành vi phạm luật lệ an toàn giao thông.
2- Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở; đồng thời thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật.
3- Tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; cụ thể hoá các nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vào trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 của ngành; đồng thời xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông năm 2008 với những nội dung cụ thể, lĩnh vực tuyên truyền trọng tâm và những địa bàn trọng điểm.
4- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, các Đài Truyền thanh cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về an toàn giao thông nói riêng; duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục trên Báo, Đài; đảm bảo có từ 1- 2 số chuyên trang, chuyên mục trong năm về công tác bảo đảm trật tự an toàn; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông trong tháng an toàn giao thông.
5- Phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; các giải pháp nhằm làm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị trong tỉnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông .vv..
6- Tiếp tục thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” trên địa bàn các xã, phương, thị trấn, trong đó tăng cường các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ có lồng ghép tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn giao thông nói riêng đến các hội viên. Thường xuyên rà soát, bổ sung sách pháp luật về an toàn giao thông cho các Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; tiếp tục chỉ đạo việc luân chuyển sách pháp luật từ Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn đến các điểm Bưu điện Văn hoá xã; Duy trì và nâng cao hiệu quả khai thác Tủ sách, ngăn sách pháp luật tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh.
7- Tiếp tục nâng cao chất lượng Bản tin Tư pháp của ngành, trong đó có số chuyên đề về an toàn giao thông./.
Hoàng Giang