Hiệu quả hoạt động của mô hình Câu lạc bộ Pháp luật huyện Điện Biên trong lĩnh vực Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

21/03/2008
Từ đầu năm 2002 đến nay được sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện, Phòng Tư pháp huyện Điện Biên đã tìm hiểu, tổ chức khảo sát và phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tranh thủ sự giúp đỡ của Sở Tư pháp tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thành lập 06 Câu lạc bộ Pháp luật trên địa bàn huyện với cơ cấu hợp lý bao gồm toàn bộ các ban, ngành, đoàn thể tham gia và do chính các đồng chí lãnh đạo Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương là chủ nhiệm Câu lạc bộ.

 Ngay sau khi các Câu lạc bộ được thành lập, Phòng Tư pháp huyện đã hướng dẫn Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ xây dựng quy chế, kết nạp hội viên, tổ chức lễ ra mắt để chính thức đi vào hoạt động theo định kỳ 1 tháng /1 buổi sinh hoạt. Để nâng cao năng lực cho Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ pháp luật trên địa bàn trong những năm đầu năm mới thành lập, Phòng Tư pháp huyện đã bố trí một cán bộ trực tiếp theo dõi, giúp đỡ Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ lập kế hoạch, phương pháp điều hành và duy trì các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ. Từ năm thứ 2 trở đi các Câu lạc bộ tự đảm nhiệm hoạt động, Phòng Tư pháp chỉ tham gia hỗ trợ đối với những lĩnh vực, khu vực bức xúc, nổi cộm trên địa bàn. Trước mỗi buổi sinh hoạt, Phòng đều chỉ đạo các Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ khảo sát tình hình thực tế, lựa chọn những vấn đề nổi cộm trên địa bàn như tranh chấp đất đai, khiếu nại tố cáo hay nghiện hút, bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng...để xây dựng chuyên đề sinh hoạt. Về thời gian sinh hoạt cũng luôn được chú trọng bố trí phù hợp với lịch sinh hoạt, sản xuất của nhân dân như sinh hoạt vào các buổi tối, sinh hoạt trong các ngày nghỉ hoặc lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể địa phương. Hình thức sinh hoạt thay đổi nhằm tạo điều kiện cho các hội viên tham dự đầy đủ  nhất như tổ chức sinh hoạt tại Hội trường xã, sinh hoạt tại cơ sở bản, đội hay các cụm dân cư... Nhìn chung, với phương thức tổ chức trên đã tạo điều kiện giúp mọi hội viên tham dự đầy đủ các buổi sinh hoạt, tại các buổi sinh hoạt các hội viên đều nắm được những quy định pháp luật cơ bản có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, nhờ vậy đã tham gia thảo luận sôi nổi, gợi mở, góp ý kiến giúp lãnh đạo xã giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp tại địa bàn. Qua đó góp phần hạn chế các hành vi  vi phạm pháp luật, ổn định tình hình an ninh trật tự của địa phương. 

Đến nay Huyện đã có 6 Câu lạc bộ (tại các xã Thanh Yên, Thanh Chăn, Sa Mứn, Thanh Nưa, Nà Nhạn, Noong Luống), hết quý I /2008 này 8 Câu lạc bộ Pháp luật tiếp theo sẽ lần lượt ra mắt, nâng tổng số Câu lạc bộ Pháp luật trên địa bàn lên 14 CLB. Sau hơn 5 năm hoạt động, các CLB trên địa bàn huyện đã tổ chức 260 buổi sinh hoạt với 16.890 lượt hội viên tham dự, mỗi buổi sinh hoạt là một chuyên đề, mỗi chuyên đề là một đối tượng sinh hoạt khác nhau. Qua các buổi sinh hoạt  các Câu lạc bộ đã phối hợp với các Ban, ngành tỉnh, huyện hỗ trợ và cấp phát hơn 20.000 tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, sách báo có nội dung tuyên truyền pháp luật các loại. Trực tiếp tư vấn pháp lý cho 2.067 trường hợp, tiếp thu hàng trăm ý kiến đóng góp của hội viên nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nổi cộm, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết 146 trường hợp theo yêu cầu trợ giúp pháp lý của công dân. Ngoài những buổi sinh hoạt chính thức, bộ phận thường trực của Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ đã tiếp thu, tư vấn  cho hơn 300 trường hợp công dân có yêu cầu trợ giúp, phối hợp tổ chức hoà giải thành 186 vụ tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân.

Tại các địa bàn đã thành lập mô hình Câu lạc bộ pháp luật qua 5 năm hoạt động cho thấy nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực. Tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn có chiều hướng giảm như: hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em, hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn, hành vi đánh bạc, hiếp dâm trẻ em, chống người thi hành công vụ..., tình trạng khiếu kiện tập thể, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện không có căn cứ pháp luật đã giảm, nhiều điểm nóng trong lĩnh vực này đã được giải quyết ổn thoả, hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác như dân sự, kinh tế, xã hội... cũng giảm đáng kể. Đa số nhân dân đều nắm bắt, tuân thủ pháp luật để thực hiện hợp pháp các quyền và nghĩa vụ của mình. hiện nay nhiều người dân khi có những thắc mắc, vướng mắc, kiến nghị, nhân dân đều tự giác tìm đến các CLB pháp luật trên địa bàn để  yêu cầu tư vấn, trợ giúp pháp lý.

T.H