Sở Tư pháp Quảng Ngãi với công tác dân vận

11/12/2007
Từ năm 2000 đến nay đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Đất nước và của tỉnh nhà, nhân dân trong tỉnh tin tưởng, phấn khởi trước những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân không ngừng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao.

Đối với ngành Tư pháp, những năm qua Lãnh đạo Sở luôn xác định công tác vận động và tổ chức các lực lượng quần chúng luôn là vấn đề chiến lược, đồng thời đặc thù trong hoạt động của ngành là có quan hệ thường xuyên và trực tiếp với các tổ chức và công dân vì vậy mà lãnh đạo Sở thường xuyên quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong toàn cơ quan cũng như chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt công tác này. Việc thực hiện không chỉ thể hiện qua các nội dung về công tác dân vận cụ thể mà còn qua phong cách làm việc và thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ giải quyết công việc hàng ngày với nhân dân, thực hiện tốt phương châm nghe dân nói, nói cho dân nghe, làm cho dân tin và vận động nhân dân cùng tham gia mọi chương trình, hoạt động chung của ngành.

Thực hiện tốt công tác dân vận thông qua việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn là vấn đề được Sở Tư pháp chú trọng. Với vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, hàng năm Sở Tư pháp tổ chức từ 4 đến 5 Hội nghị triển khai luật, trung bình mỗi Hội nghị có gần 200 đại biểu là cán bộ chủ chốt của các Sở, Ban, ngành, huyện, thành phố tham dự, mỗi Hội nghị triển khai từ 4 đến 5 văn bản luật trong đó có nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến công tác dân vận như: Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Luật Hôn nhân và gia đình, Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/06/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Thông tư liên tịch số 03 ngày 31/03/2000 của Bộ Tư pháp-Bộ Văn hoá-Thông tin-Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư… Sau Hội nghị cấp tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ngành và địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên toàn tỉnh.

Đối với cơ sở, những năm qua Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý tăng cường công tác trợ giúp pháp lý lưu động nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; bên cạnh việc thực hiện tư vấn pháp luật còn tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng và Nhà nước phục vụ cho công tác dân vận. Từ năm 2000 đến nay Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện gần 100 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, cấp phát gần 50.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật đã kịp thời giải toả những vướng mắc về pháp luật cho nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người nghèo và gia đình chính sách, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, từ năm 2000 đến nay Sở Tư pháp đã thực hiện và phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh để thực hiện trên 150 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Hội viên của các tổ chức này ở cơ sở. Riêng trong năm 2007, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội nông dân tỉnh tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ Hội Nông dân, Tổ trưởng Tổ hoà giải, cán bộ thuộc chi, tổ hội nông dân tại 10 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở; phối hợp với Sở Văn hóa-Thông tin tập huấn nghiệp vụ hòa giải và xây dựng hương ước, quy ước cho cán bộ xã của 07 huyện miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh.

Đối với hoạt động của ngành, hàng năm, bên cạnh việc quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Lãnh đạo Sở Tư pháp còn phát động mạnh mẽ phong trào thi đua, kịp thời nhân rộng các điểm hình tiên tiến vì vậy đã tạo không khí thi đua sôi nỗi thường xuyên và liên tục trong toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Trong hoạt động của Sở, việc thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính được chú trọng, thường xuyên rà soát, hệ thống hoá các quy định về thủ tục, giấy tờ và thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức và công dân. Các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực như công chứng, đăng ký hộ tịch, bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự được Sở Tư pháp chỉ đạo các bộ phận liên quan niên yết công khai tại trụ sở và trên Trang thông tin điện tử của Sở để cho nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo được Sở Tư pháp thực hiện tương đối tốt, không có trường hợp nào tồn đọng, góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp.

Với những kết quả đạt được, Sở Tư pháp đã góp phần cùng tỉnh nhà đáp ứng tốt yêu cầu Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận đề ra./.

Cao Nguyên