Khu vực Thi đua khối các cơ quan tư pháp các tỉnh duyên hải Miền Trung-Tây Nguyên: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua năm 2007

23/11/2007
Ngày 23/11/2007, Khu vực Thi đua khối các cơ quan tư pháp các tỉnh duyên hải Miền trung-Tây nguyên tổ chức hội nghị tổng kết thi đua năm 2007. Tham dự hội nghị có đ/c Lê Văn Duyên, Phó Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng, 13/13 thành viên Khu vực thi đua (Giám đốc Sở Tư pháp và Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh); Đ/c Hoàng Đồng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, Trưởng khu vực thi đua năm 2007 chủ trì hội nghị. Đ/c Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đến dự và phát biểu chào mừng.

Ông Hoàng Đồng, Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định, trưởng khu vực thi đua khối các các cơ quan tư pháp các tỉnh duyên hải Miền trung-Tây nguyên thay mặt 13 Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự các tỉnh trong khu vực khái quát những kết quả đạt được trong từng lĩnh vực công tác tư pháp. Theo đó, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Năm 2007, Sở Tư pháp đã soạn thảo trình UBND cùng cấp ban hành trên 50 văn bản QPPL; thẩm định 717 văn bản do các Sở, ngành dự thảo trước khi trình UBND tỉnh ký ban hành đảm bảo thời gian, trình tự thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tự kiểm tra 1.033 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh và cấp huyện ban hành theo quy định tại Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ, đã phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ, sửa đổi một số văn bản không đúng quy định của pháp luật. Sở Tư pháp : Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ngãi, thành phố Đà nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tổ chức kiểm tra công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành trong năm 2006, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, sai sót, bất cập trong công xây dựng và ban hành văn bản QPPL ở địa phương.

          Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Các Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành kế hoạch, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2007; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chương trình quốc gia phổ biến, giáo dục của Chính phủ; hướng dẫn và chỉ đạo Tư pháp huyện, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phươngMột số Sở Tư pháp: Đăk Lăk, Hà Tĩnh, Bình Định, Gia Lai, Quảng ngãi, Quảng Bình, Đà Nẵng chủ động tổ chức cuộc thi tìm hiểu "Bộ luật dân sự năm 2005","Tuyên truyền viên pháp luật", " Pháp luật về an toàn giao thông đường bộ", "Tìm hiểu về Luật Cư trú","pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm; " Luật Phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí". Sở Tư pháp Đà Nẵng đã biên soạn, in ấn phát hành 7.500 cuốn sổ tay pháp luật cấp cho cán bộ tư pháp cấp xã, 10.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ, 3.500 tài liệu hỏi đáp về phòng, chống tham nhũng thực hành tiết kiệm chống lãng phí, 20.000 tờ gấp tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công chứng, Luật Cư trú; Sở Tư pháp Bình Định phát hành 10.200 cuốn Bản tin Tư pháp, 4.000 cuốn hỏi - đáp pháp luật; Sở Tư pháp Quảng Ngãi phát hành 3 số đặc sang Tư pháp với số lượng 1.000 cuốn/số và biên soạn, cấp phát 10.000 tờ rơi về phòng, chống tội phạm; Sở Tư pháp Gia Lai biên soạn, phát hành 7.015 cuốn sách và tập đề cương, 730 băng casset để phổ biến pháp luật, in ấn và phát hành 32.750 cuốn tài liệu tuyên truyền khu dân cư, 2.200 Bản tin Tư pháp, 28.500 tờ gấp pháp luật; Sở Tư pháp Quảng Nam phát hành 20.576 cuốn bản tin pháp luật; Sở Tư pháp Quảng Bình phát hành 2.850 cuốn Bản tin tư pháp và 17.000 tờ gấp pháp luật; Sở Tư pháp Hà Tĩnh phát hành 7.000 cuốn tài liệu giới thiệu Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ; Sở Tư pháp Nghệ An phát hành 05 tập san "pháp luật và đời sống", mỗi số từ 1.600 - 2.000 cuốn; Sở Tư pháp Kon Tum phát hành số tập san Tư pháp với số lượng 3.200 cuốn và 80.000 tờ gấp pháp luật; Sở Tư pháp Đăk Lăk phát hành 5.000 cuốn nghiệp vụ PBGDPL, 7.000 Bản tin chuyên đề An toàn giao thông, 836.100 tờ gấp pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PHCTPBGDPL),với chức năng là Cơ quan thường trực của Hội đồng, các Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND cùng cấp sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Hội đồng (PHCTPBGDPL) tỉnh, ban hành Quy chế hoạt động của Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật; giúp Hội đồng (PHCTPBGDPL) sơ kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2007; tham mưu cho UBND cùng cấp chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình PBGDPL từ năm 2003 đến năm 2007.Ngoài ra, các Sở Tư pháp còn tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; tiếp tục kiện toàn củng cố Tổ hoà giải ở cơ sở, phát động phong trào thi đua phấn đấu hòa giải thành trên 75 % vụ việc tranh chấp nhỏ ở cơ sở. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Hình thức phổ biến đa dạng với những nội dung tuyên truyền thiết thực phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn; tập trung vào các lĩnh vực bức xúc và phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

          Công tác hành chính tư pháp và quản lý các tổ chức bổ trợ tư pháp: Các Sở Tư pháp tập trung chỉ đạo rà soát, kiểm tra, sửa đổi, bổ sung, loại bỏ các loại giấy tờ, quy trình giải quyết công việc cho công dân và tổ chức không còn phù hợp với thực tế, với quy định của pháp luật trong các lĩnh vực: Hộ tịch, công chứng, chứng thực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức có yêu cầu giải quyết công việc; tổ chức tập huấn quán triệt Luật Công chứng, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cho lãnh đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện, các Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp. Các cơ quan Tư pháp trong Khu vực thi đua phấn đấu giải quyết 100% hồ sơ của công dân đến yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, khai tử có yếu tố nước ngoài; tham mưu UBND tỉnh giải quyết 100% hồ sơ xin đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, xác nhận có quốc tịch Việt Nam; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch, thay đổi, cải chính hộ tịch; giải quyết 100% hồ sơ xin cải chính hộ tịch, công chứng, chứng thực đúng thời gian quy định của Nhà nước. Các Phòng công chứng đã thực hiện công chứng 925.669 việc với số tiền lệ phí 14,25 tỷ đồng, các địa phương có số thu lệ phí công chứng cao: Đà Nẵng: 5,3 tỷ đồng; Đắk Lắk: 1,37 tỷ đồng; Gia Lai: 2,5 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế: 1,4 tỷ đồng; Bình Định: 1,2 tỷ đồng. Công tác quản lý hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật và giám định tư pháp cũng được các Sở Tư pháp quan tâm; các địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng  triển khai thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường số lượng Giám định viên và nâng cao chất lượng giám định của các Tổ chức giám định. Các Trung tâm DVBĐTS hoạt động có hiệu quả, ký kết và tổ chức bán đấu giá thành 806 Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với giá trị tài sản 334,03 tỷ đồng, từng bước tự chủ về tài chính, giảm dần sự bao cấp của Nhà nước.

          Công tác Trợ giúp pháp lý: Các Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý; xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) và thành lập các Chi nhánh trợ giúp pháp lý trực thuộc Trung tâm; tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp viên pháp lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỷ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ công tác viên trợ giúp lý và thành viên các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; tổ chức tập huấn phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý cho lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các cấp huyện, cấp xã, các tổ chức đoàn thể, cộng tác viên TGPL.Các Trung tâm TGPL: Nghệ An, Gia Lai, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Định đã có sáng kiến xây dựng Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Tổ trợ giúp pháp lý, tạo điểu kiện thuận lợi cho người nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội được hưởng sự trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước.

          Công tác thi hành án dân sự :Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2006, Thi hành án dân sự đã thi đua tập trung rà soát, kiểm tra thủ tục thi hành án, xây dựng quy trình giải quyết công việc cho dân và tổ chức trong lĩnh vực thi hành án; tổ chức rà soát án tồn đọng có điều kiện thi hành để có phương án giải quyết dứt điểm trong thời gian đến; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự. Hầu hết Thi hành án dân sự thi đua phấn đấu bằng nhiều giải pháp phù hợp, đồng bộ tổ chức thi hành xong hoàn toàn về việc và tiền đạt chỉ tiêu ( thi hành xong hoàn toàn 75% về việc và 55% về tiền tài sản có điều kiện thi hành) mà Bộ Tư pháp đã đề ra. Các địa phương đã thi hành xong hoàn toàn về việc 46.250việc/59.686việc, đạt 77,49%; thi hành xong về tiền 426,129tỷ đồng/662,285tỷ đồng, đạt 64,34%;

            Thi  đua xây dựng ngành tư pháp trong sạch, vững mạnh: Các Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn và hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc theo quy định của Nghị định số 171/2004/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn, giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương; Nghị định số 50/2005/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện. Cùng với công tác củng cố, kiện toàn và hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy các Sở Tư pháp còn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đã cử cán bộ Tư pháp, cán bộ Thi hành án tham gia các lớp bồi dưỡng Chấp hành viên, trung-cao cấp chính trị, quản lý nhà nước, Công chứng viên ... nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý.

          Các Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo" Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tổ chức quán triệt Quyết định số 129/2007/QĐ-BNV của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế văn hóa công sở; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26.02.2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương; thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị nhân các ngày lễ lớn của dân tộc nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức thi đua vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị; nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ phục vụ nhân dân.

            Thi đua đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí,  thực hành tiết kiệm: Các Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Phòng Tư pháp, Thi hành án dân sự cấp huyện thực hiên chương trình cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2005-2010; Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Trọng tâm của công tác cải cách hành chính: Tập trung rà soát, loại bỏ những giấy tờ, thủ tục không còn phù hợp, xây dựng lại quy trình giải quyết công việc; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho công dân, doanh nghiệp; công khai quy trình giải quyết công việc và cán bộ giải quyết công việc tại nơi tiếp nhận hồ sơ thuộc các lĩnh vực: Công chứng, chứng thực, hộ tịch, thi hành án dân sự, trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản.

            Nhìn chung, năm  2007, Phong trào thi đua của Khu vực thi đua khối cơ quan Tư pháp các tỉnh duyên hải Miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục có những chuyển biến tích cực, việc tổ chức phát động phong trào thi đua, đăng ký giao ước thi đua được duy trì thường xuyên và rộng khắp. Hội đồng thi đua khen thưởng các đơn vị trong Khu vực thi đua tiếp tục được củng cố và phát huy hiệu quả, đã tư vấn cho Giám đốc Sở, Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh tổ chức tốt phong trào thi đua, khen thưởng hoặc đề nghị các cấp khen thưởng cho các tập thể, cá nhân kịp thời, đúng việc, đúng thành tích. Nội dung phong trào thi đua được đề ra cụ thể, tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành, địa phương, đơn vị như : Thi đua hoàn thành đúng thời hạn và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự; thi đua xây dựng ngành tư pháp trong sạch, vững mạnh; thi đua thực hiện kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được phong trào thi đua của Khu vực thi đua năm 2007 vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại: Việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua, đăng ký, ký kết giao ước thi đua, nhất là ở các tập thể nhỏ chưa được duy trì thường xuyên. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa thường xuyên, kịp thời. Một số cán bộ, công chức, lãnh đạo và cấp uỷ chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới.

Bài và ảnh Nguyễn Huỳnh Huyện