Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức hiểu, biết về pháp luật cho phụ nữ và giúp chị em hình thành thói quen “ Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã góp một phần không nhỏ vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội LHPN tỉnh luôn quan tâm và chỉ đạo các cấp hội phụ nữ trong tỉnh xác định công tác phổ biến pháp luật cho phụ nữ là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của tổ chức hội.
Tỉnh hội đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố và bổ sung kịp thời đội ngũ tham gia công tác PBPL. Đến nay, có 9 đồng chí tham gia Hội đồng phổ biến pháp luật của tỉnh hội, tất cả đều có trình độ cử nhân luật. Ở cơ sở có 573 đồng chí là tuyên truyền viên tích cực về công tác phổ biến pháp luật và hơn 2000 chị là chi hội trưởng phụ nữ là thành viên các tổ hoà giải ở cơ sở. Trong đó, 47 chị có trình độ sơ cấp; trung cấp: 120; cao đẳng: 7; đại học: 9; trung cấp phụ vận: 151.
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ và triển khai tới tất cả các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, tuỳ theo từng đối tượng, địa bàn mà các cấp hội cơ sở có kế hoạch phổ biến pháp luật riêng cho cở sở mình. Trong 5 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động phối hợp các sở, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ học các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của hội như Nghị quyết TW 5, 6,7,8 khoá IX; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XII... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc gió dục trẻ em; về đất đai, hôn nhân và gia đình, khiếu nại tố cáo; về tham nhũng, HIV/AIDS, dân số…Mỗi hội nghị thu hút hơn 200 lượt chị em trong tỉnh về học.
Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Tỉnh hội chỉ đạo các cấp hội phụ nữ trong tỉnh không chỉ chú trọng đến nội dung tuyên truyền mà hình thức tuyên truyền cũng rất quan trọng. Đối với từng đối tượng, địa bàn có hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phù hợp như thông qua hội nghị, mở lớp tập huấn. Toàn tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn về Luật Bầu cử HĐND năm 2003 cho 680 nữ ứng cử viên lần đầu là đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2004- 2009 về Luật Bầu cử HĐND; 17 lớp tập huấn cho 480 nữ đại biểu HĐND trúng cử lần đầu tại tỉnh và 8 huyện, thành phố; mở 37 lớp tập huấn về Luật doanh nghiệp, kiến thức quản lý doanh nghiệp…cho hơn 1000 lượt nữ chủ doanh nghiệp trong tỉnh; tổ chức 56 hội nghị tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến đời sống của chị em tại 56 xã, phường , thị trấn trong tỉnh. Mỗi cuộc có hơn 100 người tham dự.
Bên cạnh đó, phối hợp với Công an tỉnh, Sở LĐTBXH, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền phòng chống ma tuý, luật phòng chống ma tuý, pháp lệnh phòng chống mại dâm; mở các lớp chuyên đề về phòng chống ma tuý, tội phạm cho hàng trăm học sinh học nghề tại tỉnh hội…kết quả đã cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ 1.943 đối tượng nghiện ma tuý và 127 gái mại dâm hoàn lương. Mặt khác, các cấp hội phụ nữ còn tổ chức cho chị em học tập và đăng ký thực hiện phong trào thi đua “ Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” với 380.000 chị về học và trên 300.000 chị đăng ký thực hiện phong trào này. Mỗi năm có trên 70% gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, Văn phòng TGPL của tỉnh hội đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Trung tâm TGPL tỉnh, TAND, VKSND tỉnh, Tư pháp các huyện, thành phố tổ chức 25 cuộc tư vấn pháp lý lưu động cho 257 đối tượng tư vấn, 3.800 đối tượng được tuyên truyền, trực tiếp tư vấn 456 việc. Một trong những hình thức tuyên truyền có hiệu quả nữa là thông qua hoạt động in ấn, phát hành tài liệu. Đến nay, toàn tỉnh đã phát hơn 10.000 tờ rơi, 500 cuốn sổ tay tuyên truyền và gần 200 đĩa hình về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em cho cho cơ sở hội; gần 40.000 cuốn thông tin phụ nữ, 3000 cuốn luật phòng chống ma tuý, 200.000 tờ rơi tuyên truyền về ma tuý, mại dâm, tội phạm, HIV/AIDS, trên 1000 cuốn pháp luật Việt nam về ma tuý và ma tuý những điều cần biết và nên tránh…Thông qua công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư, công tác hoà giải, Hội phụ nữ các cấp đã nhận 960 đơn, kiến nghị với các ngành chức năng, chính quyền, các đoàn thể tổ chức giải quyết, đã hoà giải thành công 4.426 vụ việc về mâu thuẫn gia đình, dòng tộc, xóm làng góp phần giữ vững ổn định tình hình địa phương và xây dựng nếp sống văn hoá khu dân cư.
Ngoài ra, Để nâng cao nhận thức và thực hiện theo pháp luật cho cán bộ, công chức của tỉnh hội và học sinh học nghề,Tỉnh hội còn trích từ 200.000 đồng- 300.000 đồng/năm cho việc bổ sung các đầu sách cho tủ sách pháp luật, phục vụ từ 15 -20 lượt người đọc/tháng...Tỉnh hội còn chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về Câu lạc bộ phòng, chống mại dâm ở xã Hồng Minh- Hưng Hà với 35 thành viên tham gia, trong đó có 5 gái mại dâm đã hoàn lương; 02 Câu lạc bộ chống bạo lực gia đình ở xã Vũ lạc, Thị trấn Thanh Nê- Kiến Xương giúp chị em cách phòng và tránh đối với loại tội phạm này... Trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên, phụ nữ trong tỉnh./.
Nguyễn Ngọc Hiển