Một số kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng năm 2007.

21/11/2007
Xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, năm 2007, căn cứ chương trình hành động của UBND thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của ngành Tư pháp và triển khai thực hiện đạt một số kết quả cụ thể như sau:

Sở đã thẩm định những văn bản có liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND thành phố ban hành; tiến hành rà soát 07 văn bản, sửa đổi bổ sung 01 văn bản, ban hành mới 03 văn bản và đề nghị công bố hết hiệu lực 03 văn bản. Ngoài ra, thực hiện Đề án “rà soát, xử lý những sơ hở trong thể chế dẫn đến tham nhũng trong lĩnh vực do Ngành Tư pháp quản lý và giải pháp khắc phục”, Sở cũng đã chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố, các tổ chức giúp việc và đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ các quy định không phù hợp gây khó khăn cho hoạt động cá nhân, tổ chức, các quy định có thể bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Tư pháp theo thời hạn báo cáo Bộ Tư pháp là 30/11/2007.

Trên cơ sở những quy định mới trong lĩnh vực hộ tịch được trung ương và thành phố ban hành, thời gian qua Sở đã tiến hành sửa đổi 03 lần Đề án “01 cửa” trong lĩnh vực hành chính tư pháp trình UBND thành phố ban hành. Kết quả thực hiện cơ chế “1 cửa” đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với quy định, số lượng hồ sơ được giải quyết đúng hẹn, sớm hơn hẹn đạt 98%; Niêm yết công khai các thủ tục, qui trình, thời gian giải quyết và lệ phí của từng loại công việc tại nơi tiếp nhận hồ sơ, các quy định mới trong lĩnh vực hộ tịch, công chứng, thực hiện hướng dẫn trực tiếp bằng phiếu hướng dẫn khi tiếp nhận hồ sơ để tránh hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ công chức, góp phần phòng ngừa tham nhũng; Thực hiện công khai, minh bạch trong mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính cũng như xây dựng định mức khoán chi tại Sở trên tinh thần tiết kiệm nhưng đảm bảo thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm túc Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý và sử dụng tài sản công đã ban hành nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ và tăng thêm thu nhập chính đáng cho cán bộ công chức và người lao động trong cơ quan; Các định mức thanh toán cước phí điện thoại, văn phòng phẩm, việc sử dụng điện, nước, xăng dầu... đều thấp hơn quy định cho phép; Tiếp tục công tác quy hoạch cán bộ của ngành, rà soát cơ cấu tổ chức, phân công chuyên môn, chuyển đổi CBCC nhằm chủ động phòng, chống tham nhũng. Thời gian qua, công tác này được thực hiện công khai và đúng quy định hiện hành; Thông qua Hội nghị CBCC, phát huy dân chủ trong cơ quan, đồng thời thực hiện công khai tài chính của Sở bằng hình thức niêm yết tại bảng tin nội bộ dự toán năm, quyết toán 6 tháng, một năm để CBCC, người lao động giám sát được tình hình sử dụng kinh phí hoạt động của đơn vị mình; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng đối với các đơn vị và CBCC thuộc quyền quản lý của Sở (Trong năm 2007, Sở Tư pháp đã tổ chức thanh tra tại 7 đơn vị gồm Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Sở, 02 Phòng Công chứng số 2, số 3, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản và 03 Phòng Tư pháp quận: Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và Cẩm Lệ).

 Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời kiến nghị các đối tượng thanh tra và cá nhân, tổ chức liên quan tăng cường trách nhiệm và phối hợp trong tiếp nhận và giải quyết công việc cho công dân, tổ chức, khắc phục các sai sót đã được kết luận.

Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 12/10/2006 của UBND thành phố Đà Nẵng về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao chất lượng giải quyết công việc của công dân, tổ chức và Quyết định số 104/2006/QĐ-UBND ngày 30/11/2006 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quy định về khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết hồ sơ, công việc. Đồng thời tiếp tục thực hiện đúng Chỉ thị số 11/CT-TU ngày 20/10/2003 và Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 14/4/2004 của Ban Thường vụ Thành uỷ; Triển khai và thực hiện Quy tắc ứng xử của CBCC trong cơ quan, trích và niêm yết công khai Quy tắc ứng xử của CBCC tại Tổ 1 cửa của Sở và các đơn vị trực thuộc Sở để nhân dân giám sát; Triển khai Kế hoạch số 3122/KH-UBND ngày 21/6/2007 của UBND thành phố về việc thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010; Triển khai kế hoạch trưng cầu ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công của các tổ chức, đơn vị thuộc Sở; Duy trì đều đặn lịch tiếp công dân vào chiều thứ năm hàng tuần, cũng như tiếp thường xuyên của bộ phận thường trực, lãnh đạo Sở tiếp công dân vào ngày 15 và ngày 30 hàng tháng. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo được xử lý, giải quyết kịp thời và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

          Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng và vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn… tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng đến toàn thể CBCC của ngành nói riêng và nhân dân thành phố nói chung nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức của đội ngũ CBCC, viên chức và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đã triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho 40 lớp với 6000 người tham dự; In ấn 2900 tập tài liệu hỏi đáp về Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để phục vụ công tác tuyên truyền; Tham mưu trình UBND thành phố tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” với đối tượng tham gia là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng có độ tuổi từ 16 trở lên. Hiện đã chấm xong 48.534 bài dự thi và chuẩn bị tổng kết, trao giải vào tháng 12/2007.

Thu Hường