Hoạt động của Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

15/11/2007
Thực hiện Đề án “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân về bảo vệ an ninh trật tự” thuộc Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm theo Nghị quyết số 09 của Chính phủ ngày 09/5/2000, Sở tư pháp Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-TP về xây dựng Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” ở xã Thọ Nghiệp-huyện Xuân Trường. Ngay sau đó, vào ngày 31/5/2000 Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường được thành lập trên cơ sở Câu lạc bộ tiền hôn nhân của Đoàn thanh niên xã, với mục đích tập hợp đông đảo đoàn viên thanh niên ở xã tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ, vận động hội viên tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngày đầu thành lập Câu lạc bộ mới thu hút được 30 hội viên là cán bộ Đoàn, Hội và một số thành viên tích cực của Tổ chức Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân. Ban chủ nhiệm gồm 7 người, 02 phó chủ nhiệm và các uỷ viên, trong đó có một phó chủ nhiệm là người theo  đạo Thiên chúa.  Để câu lạc bộ hoạt động đúng hướng, ổn định và hiệu quả, Ban chủ nhiệm đã xây dựng và thông qua Quy chế hoạt động, làm thẻ hội viên, xác định chương trình, nội dung công tác trong từng giai đoạn cụ thể. Do đó, đến hết năm 2006, tổng số thành viên Câu lạc bộ đã lên tới 130 người.

Ngay từ khi mới thành lập, Ban chủ nhiệm đã xác định phương thức hoạt động chủ yếu của Câu lạc bộ là: Tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung, định kỳ mỗi tháng một lần nhằm phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức và định hướng hoạt động cho hội viên. Tại các buổi sinh hoạt, báo cáo viên (của ngành Tư pháp và Công an) trực tiếp giới thiệu về nội dung các văn bản pháp luật; thông tin về tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm ở địa phương; cùng với hội viên trao đổi về những biện pháp, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Câu lạc bộ; giải đáp những vướng mắc về pháp luật diễn ra trong đời sống. Trên cơ sở đó, hội viên của Câu lạc bộ đã dần trở thành những tuyên truyền viên pháp luật đối với gia đình, dòng họ, khu dân cư, đồng thời phát hiện và tố giác, cảm hóa người phạm tội hoàn lương về với cuộc sống cộng đồng.

Ngoài ra, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của xã, tóm tắt các nội dung pháp luật thiết yếu gắn với đời sống hằng ngày của hội viên, của nhân dân để tuyên truyền như Luật hình sự; Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật phòng chống ma tuý; Luật hôn nhân và gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp; Pháp lệnh phòng chống mại dâm, Pháp lệnh dân số, đặc biệt tập trung trong giai đoạn hiện nay là Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chỗng lãng phí, Luật khiếu nại tố cáo...

Bên cạnh đó, việc đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt đã tăng tính hấp dẫn của Câu lạc bộ. Thông qua các buổi toạ đàm về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma tuý, về thực hiện luật Hôn nhân gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự đã thực sự thu hút sự quan tâm của thanh niên nói riêng và nhân dân cơ sở nói chung, giúp cho các đối tượng chưa có điều kiện tham gia câu lạc bộ cũng  hiểu được những nội dung cần thiết của pháp luật. Không chỉ dừng ở đó, Câu lạc bộ còn lồng ghép các hoạt động văn hoá, văn nghệ, giáo dục truyền thống tại các kỳ sinh hoạt thường kỳ tạo ra không khí sôi nổi, hấp dẫn đối với những người tham gia.

Để giúp việc duy trì hoạt động, nhu cầu tìm hiểu pháp luật thường xuyên của hội viên, Câu lạc bộ đã xây dựng Tủ sách thanh niên với gần 800 đầu sách, phục vụ đọc tại chỗ hoặc cho hội viên (cả nhân dân địa phương) mượn về nhà nghiên cứu tìm hiểu, nhờ đó giúp mọi người nâng cao nhận thức, thực hiện đúng các quy định của pháp luật. 

Thực hiện chương trình hành động của Câu lạc bộ, Ban chủ nhiệm đã cử hội viên tham gia tổ an ninh của thôn, xóm nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội…để báo với chính quyền có biện pháp răn đe, giáo dục hoặc ngăn chặn, nhờ vậy việc chấp hành chính sách pháp luật ở địa phương có chuyển biến đáng kể; một số hội viên còn tham gia cuộc vận động thực hiện nếp sống văn hoá, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Bản thân câu lạc bộ đã có 18 hội viên tự nguyện, gương mẫu thực hiện việc cưới theo nếp sống mới.

Qua hơn 6 năm thực hiện, với sự năng nổ hoạt động của các hội viên, Câu lạc bộ đã tạo ra một “sân chơi” lý thú và bổ ích cho không chỉ đoàn viên thanh niên mà còn thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân địa phương, bước đầu đã góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực có ảnh hưởng xấu trên địa bàn. Theo đánh giá của chính quyền địa phương thì hiện nay trên địa bàn xã, hiện tượng vi phạm pháp luật đã giảm hẳn, không còn tệ nghiện hút, nếp sống văn hoá trong việc cưới được thực hiện tốt, nhiều hủ tục lạc hậu đã bị bài trừ; các thành viên Câu lạc bộ đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh xã, thường xuyên làm tốt công tác phát hiện, tố giác các biểu hiện tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, các vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Trong thời gian tới, để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như nhân rộng mô hình Câu lạc bộ này, cần tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu của tuổi trẻ ở cơ sở đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, hình thành ý thức tự giác chống tội phạm và phát động phong trào toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh trật tự.  Đương nhiên không thể thiếu được sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước như: sách báo, tài liệu pháp luật, bồi dưỡng tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, có chính sách động viên khen thưởng kịp thời.

 Trần Thị Hồng Nhung