Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998-2002; UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định số 435/QĐ-UB ngày 20/3/1998 thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (gọi tắt là Hội đồng) và ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 23 thành viên tham gia là các Sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh, trong đó Sở Tư pháp là cơ quan thường trực.
Thực hiện quyết định 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007, ngày 07/11/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2993/QĐ-UB về việc kiện toàn Hội đồng; bổ sung, sửa đổi Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng (ban hành kèm theo Quyết định 30/2005/QĐ-UB ngày 28/11/2005). Trên cơ sở Quy chế này, hàng năm căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Hội đồng trình UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch theo chỉ đạo, hướng dẫn để các ngành, các cấp tổ chức triển khai tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Sau khi có Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị 26-CT/TU ngày 21-4-2004 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong tỉnh; tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 32-CT/TW, Chỉ thị 26-CT/TU, gắn với việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 tới cán bộ chủ chốt của tỉnh. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-VP8 xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
Về đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg, đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Nam Định đã lớn mạnh lên rất nhiều. Thực hiện Quyết định số 210/QĐ-BTP ngày 9/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế báo cáo viên pháp luật, UBND tỉnh ban hành quyết định số 2147/QĐ-UB ngày 24/12/1999 về việc công nhận Báo cáo viên pháp luật giao cho Sở Tư pháp quản lý, tổ chức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Tính đến nay toàn tỉnh Nam Định đã có gần 300 báo cáo viên pháp luật đang hoạt động ở các ngành, các địa phương tham gia phổ biến giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị và cụm dân cư. Không chỉ dừng lại ở đây, tỉnh Nam Định đã chủ động xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, từ con số hơn 1.000 người đến nay đã tổ chức xây dựng được gần 2.000 mà nòng cốt là cán bộ trong Ban tư pháp cấp xã, hoà giải viên cơ sở và một số ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Đội ngũ này tổ chức tiến hành tuyên truyền pháp luật tại mọi thôn xóm trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm bớt đơn thư khiếu nại, giúp người dân tin vào pháp luật, tạo sự yên bình nơi xóm ngõ.
Có thể nói lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là lực lượng nòng cốt quan trọng trong hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Do được xây dựng trên cơ sở các cán bộ, công chức đang hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nên hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ, toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực. Cách thức phổ biến pháp luật của đội ngũ này rất đa dạng, ngoài việc tuyên truyền miệng tại các cuộc họp chuyên đề hoặc một buổi phổ biến, giáo dục pháp luật đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thông qua hoạt động chuyên môn của mình để chuyển tải quy định của pháp luật đến người nghe. Các cơ quan đơn vị có báo cáo viên đã sắp xếp thời gian, tạo điều kiện cho báo cáo viên hoạt động có hiệu quả. Thông qua việc liên hệ hai chiều từ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật với cơ quan quản lý trực tiếp đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg, đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Nam Định thể hiện trên những mặt cụ thể sau:
- Về nội dung pháp luật đã tuyên truyền: Trong 5 năm qua, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đối với các tầng lớp nhân dân: đã phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, nhất là các quy định pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, phòng chống các tệ nạn xã hội, lao động, việc làm, bảo vệ môi trường, các chính sách, chế độ mà người dân được hưởng, các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; trong đó chú trọng phổ biến và hướng dẫn nhân dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ cụ thể theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Đối với cán bộ, công chức: tập trung phổ biến, quán triệt, học tập các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng, Pháp luật về kinh tế quốc tế; Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị.Đối với tầng lớp thanh thiếu niên: phổ biến kiến thức pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống, học tập của các em; đã chú trọng phổ biến, giáo dục Luật bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; pháp luật về giao thông, Luật bảo vệ môi trường, Luật phòng chống ma tuý, Luật Thanh niên, Luật Nghĩa vụ quân sự…Đối với người lao động, người quản lý và cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp: đã tập trung phổ biến về Bộ luật Lao động, Luật doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh pháp luật về thương mại, tài chính, ngân hàng, hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu, công đoàn, kết hợp phổ biến các chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế… Đối với lực lượng vũ trang nhân dân: tập trung tuyên truyền pháp luật về nghĩa vụ quân sự, Luật quốc phòng, Luật phòng cháy chữa cháy, Pháp luật về giao thông, Luật công an nhân dân, Luật sĩ quan, quân đội nhân dân…
- Về hình thức phổ biến giáo dục pháp luật:
Thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ và đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 26-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân”, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và tình hình kinh tế, xã hội mà cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã chỉ đạo tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú. Các hình thức và biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật được phát triển nâng cao chất lượng là:
+ Tuyên truyền miệng: Là hình thức được sử dụng chủ yếu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong thời gian qua, các ngành thành viên trong Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã tổ chức được hàng ngàn buổi tuyên truyền pháp luật cho hàng chục ngàn lượt người cho cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung các văn bản pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật phục vụ việc triển khai nhiệm vụ chính trị ở địa phương…
+ Biên soạn, phát hành tài liệu: Nhằm đáp ứng nhu cầu về tài liệu phục vụ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm qua, các ngành, các cấp tập trung vào việc biên soạn phát hành các loại tài liệu như sách pháp luật bỏ túi, Bản tin Tư pháp, cẩm nang pháp luật, tờ gấp pháp luật, băng catsett và tổ chức phát hành các loại sách pháp luật phục vụ cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
Sở Tư pháp phát hành Bản tin Tư pháp ra hàng quý (4.000 bản/số), biên soạn và phát hành hàng trăm bộ đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật phát hành đến cơ sở, cấp 2.796 cuốn sách pháp luật tới 466 thôn, xóm, tổ dân phố thuộc 30 xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm trong Chương trình 212 (đề án phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn); Hỗ trợ sách pháp luật cho 6 đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng và một số xã trong tỉnh….
Sở Văn hoá – Thông tin thông qua việc phát hành tạp chí của ngành dành nhiều trang bài để chuyển tải nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật như chuyên mục “xây dựng gia đình văn hoá để chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội”; phát hành cuốn “Văn bản pháp quy về kinh doanh và dịch vụ văn hoá” tới cán bộ làm công tác văn hoá ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; giao cho các Phòng Văn hoá các huyện, thành phố xuất bản và phát hành hàng vạn tài liệu sách báo, tranh ảnh, áp phích, tờ rơi phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh:
Nhận thức đầy đủ ưu thế, tác dụng và hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp, các ngành, Báo Nam Định, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Đài phát thanh cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã đã đưa thông tin, giới thiệu các văn bản pháp luật một cách thường xuyên, hoặc thông qua trao đổi, giải đáp pháp luật theo yêu cầu của khán thính giả và mở các chuyên mục như: “Tìm hiểu chế độ, chính sách”, “Văn bản mới”, “Hỏi đáp pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật”, “Toàn dân phòng chống ma tuý”… đặc biệt Chuyên trang, chuyên mục “Pháp luật và đời sống” được cải tiến, nâng cao chất lượng thường xuyên, nội dung, hình thức ngày càng phong phú, tạo được sự quan tâm, đồng tình của các cấp, các ngành, đoàn thể và công chúng. Tính đến nay, Đài phát thanh của 10 huyện đã có chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, 229 xã, phường, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền pháp luật thường xuyên, có hệ thống. Cùng với cơ quan Báo, Đài ở tỉnh, hệ thống Đài phát thanh, truyền thanh ở địa phương và cơ sở đã và đang tham gia có hiệu quả trên diện rộng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Điển hình là các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, thành phố Nam Định…
+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung pháp luật vào các cuộc thi văn hoá, văn nghệ.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chức được hàng chục cuộc thi tiêu biểu như: “Hội thi Công an phụ trách xã giỏi”, “Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp giỏi”, “Toàn dân tham gia phòng chống ma tuý” của Công an tỉnh, Hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ II của ngành Tư pháp; Thi tìm hiểu về Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh; Thi tìm hiểu Luật an toàn giao thông trong học sinh khối tiểu học… Các cuộc thi này được tổ chức ngay từ cơ sở, thu hút hàng ngàn cán bộ và nhân dân tham gia. Ngoài ra, còn có rất nhiều cuộc thi khác được các ngành, các đoàn thể tổ chức lồng ghép với nội dung tìm hiểu pháp luật. Thông qua các cuộc thi, kiến thức pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực đã được chuyển tải, tuyên truyền đến đối tượng, góp phần cung cấp tri thức pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho công chúng.
+ Tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới câu lạc bộ pháp luật ở cơ sở.
Câu lạc bộ pháp luật là một hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, một tổ chức sinh hoạt pháp lý tự nguyện của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Trong những năm qua đã tổ chức chỉ đạo thành lập, phát triển nhiều mô hình câu lạc bộ như Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đặc biệt là sự phát triển của mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”( toàn tỉnh có 195 Câu lạc bộ với gần 5.000 thành viên, các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, thành phố Nam Định đã thành lập được câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” ở 100% xã, phường, thị trấn) và Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” (với 11 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” trên toàn tỉnh). Các câu lạc bộ được thành lập và hoạt động tốt đã đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng.
Gần đây, mô hình câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập ở hơn 20 đơn vị cấp xã trong tỉnh đang được nhân rộng đã và đang là một hình thức để phổ biến, giáo dục pháp luật quan trọng của người dân ở cơ sở đến đối tượng có nhu cầu.
Những huyện tổ chức tốt mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Câu lạc bộ pháp luật là Nghĩa Hưng (với 362 Câu lạc bộ thu hút 29.121 hội viên tham gia sinh hoạt), huyện Giao Thuỷ (với mô hình Câu lạc bộ thanh niên với pháp luật, phụ nữ với pháp luật, nông dân với pháp luật).
+ Xây dựng, nhân rộng, phát huy có hiệu quả tủ sách pháp luật.
Ngày 08/4/2003 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UB về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng Tủ sách pháp luật (TSPL) ở xã, phường, thị trấn; xây dựng TSPL ở cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp Nam Định đã hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng TSPL trong cơ quan, hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, trường học; giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc kiểm tra tiến độ xây dựng TSPL ở các địa phương, đơn vị. Đến nay 100% số xã, phường, thị trấn của tỉnh Nam Định đã có tủ sách pháp luật; nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học đã có tủ sách pháp luật và đã bắt đầu xây dựng Tủ sách pháp luật ở các đơn vị còn lại. Để bảo đảm thuận lợi cho việc tìm hiểu pháp luật của nhân dân, các địa phương thực hiện việc luân chuyển sách giữa tủ sách pháp luật của xã với tủ sách pháp luật của Bưu điện văn hoá xã. Sở Văn hoá – Thông tin chỉ đạo Thư viện tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng các tủ sách pháp luật ở UBND xã, phường, thị trấn, các làng văn hoá, các điểm bưu điện văn hoá xã để mọi người dân có điều kiện thuận lợi nghiên cứu các văn bản pháp luật.
+ Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc dạy và học pháp luật trong nhà trường.
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật theo hình thức ngoại khoá. Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Sở Giáo dục thống nhất chỉ đạo hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học với phương châm là: Thực hiện nghiêm túc chương trình giảng dạy môn giáo dục công dân và môn học pháp luật theo qui định của Bộ Giáo dục. Kết hợp giữa nội dung môn học với những hoạt động bổ trợ, ngoại khoá giúp cho học sinh vừa nắm vững kiến thức đại cương về nhà nước và pháp luật, vừa cập nhật được nội dung các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành.
- Tăng cường thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thực hiện Quyết định 13/2004/QĐ-TTg, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động Trợ giúp pháp lý tại tỉnh Nam Định ngày càng được quan tâm tập trung, đầu tư, có hiệu quả cao, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp cho đối tượng chính sách và người nghèo đã trở thành một nội dung quan trọng và cần thiết khi tiến hành các hoạt động Trợ giúp pháp lý. Thông qua việc thành lập và hoạt động của mô hình Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý đã giúp người dân cơ sở giải đáp được những vướng mắc pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
- Thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải cơ sở.
Với mục tiêu thông qua hoà giải để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ đó góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, mâu thuẫn xích mích trong nội bộ nhân dân, đến nay toàn tỉnh đã có 3.581 tổ hoà giải và gần 19.000 hoà giải viên cơ sở, với tỷ lệ hoà giải thành 82%. Năm 2005, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ tư pháp và UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức cuộc thi “hoà giải viên giỏi”, cấp xã, cấp huyện và hội thi hoà giải viên giỏi tỉnh Nam Định lần thứ hai đã đạt được kết quả tốt. Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, với mục tiêu thông qua hoạt động hoà giải để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
* Sau 5 năm thực hiện Quyết định 13/2004/QĐ- TTg, tỉnh Nam Định đã tích cực chủ động tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực. Phát huy thành tích kết quả nhiều năm thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh - trong đó Sở Tư pháp giữ vai trò là cơ quan thường trực, đầu mối phối hợp - đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, chương trình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của trung ương và địa phương. Cơ quan Tư pháp đã cùng với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động phối hợp tích cực hiệu quả tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế. Các cấp chính quyền ngày càng coi trọng hơn công tác lãnh đạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời xác định phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành, làm cho nhân dân thấy sự cần thiết phải tìm hiểu pháp luật, tạo ý thức, thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đem lại những hiệu quả, chuyển biến tích cực; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được đề cao. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất dành cho triển khai chương trình, kế hoạch, nội dung nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật còn rất hạn chế, chưa đáp ứng tích cực những hoạt động của công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân thiếu linh hoạt. Trong thời gian tới, Nam Định cần tập trung đề cao và triệt để khai thác mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan tư pháp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương nhằm phát huy vị trí, vai trò thế và lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, đối tượng quản lý của mỗi cơ quan, tổ chức. Chủ động xây dựng và tăng cường quản lý lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh, các ngành, các địa phương (báo cáo viên, tuyên truyền viên, hoà giải viên ở cơ sở, đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân, phóng viên cơ quan Báo, Đài…) đủ về số lượng, có chất lượng, thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức pháp luật, bảo đảm kinh phí hoạt động./.
Trần Thị Hồng Nhung