Bình Định: Bốn năm thực hiện Nghị định 65/2003/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật

10/10/2007
Sở Tư pháp Bình Định vừa đánh giá 4 năm thực hiện Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật theo tinh thần Công văn số 3999/BTP-BTTP ngày 14.9.2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Qua 4 năm triển khai và thực hiện Nghị định 65/2003/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật, tính đến tháng 9/2007, Bình Định đã thành lập 2 Trung tâm tư vấn pháp luật, đó là: Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh (chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2007); Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh (chính thức đi vào hoạt động từ ngày 04/4/2007).Do mới thành lập, nên lực lượng tư vấn viên được phân công thực hiện tư vấn không nhiều. Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh hiện có 04 cán bộ, trong đó có 03 tư vấn viên. Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh hiện có 07 cán bộ, trong đó có 03 tư vấn viên.

Hai Trung tâm đã thực hiện các việc: Hướng dẫn, giải đáp pháp luật; tư vấn soạn thảo đơn, di chúc và các giấy tờ khác; tư vấn soạn thảo hợp đồng có giá trị từ 100.000.000 đồng trở xuống; cung cấp các văn bản pháp luật, thông tin pháp luật... Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, các tư vấn viên đã thực hiện tư vấn, tham gia, kiến nghị 23 vụ việc miễn phí thuộc các lĩnh vực: Lao động, công đoàn, dân sự, hôn nhân-gia đình,….( hiện nay Trung tâm này chưa thu phí trường hợp nào). Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh đã tư vấn được 131 vụ việc, trong đó có 15 vụ việc miễn phí và 116 vụ việc có thu phí, chủ yếu là trên các lĩnh vực dân sự, hình sự và hôn nhân-gia đình với số phí thu được là 16.890.000đ .Trong tất cả các vụ việc, các tư vấn viên đều tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ của người yêu cầu tư vấn và căn cứ vào những quy định pháp luật hiện hành để tư vấn, hướng dẫn cho các đối tượng yêu cầu một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, do hai Trung tâm mới đi vào thành lập nên cơ sở vật chất ở các trung tâm còn hạn chế.  Hiện hai trung tâm bố trí Phòng thực hiện Tư vấn riêng, nhưng diện tích còn nhỏ, phương tiện hoạt động chưa có, điều kiện hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó đội ngũ tư vấn viên còn ít, lại chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật, những điều này cũng đã gây ra những khó khăn nhất định trong việc đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp luật của nhân dân ngày càng nhiều.

Hơn nữa, Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ ban hành cách nay đã hơn 4 năm, nhiều quy định của Nghị định bị lạc hậu, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan liên quan tổ chức và  hoạt động của Trung tâm  tư vấn pháp luật, cũng như Tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật...Do vậy, Bộ Tư pháp cần rà soát các quy định của Nghị định 65/2003/NĐ-CP để có hướng đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn của đất nước. Điều 13 và Điều 16 Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ quy định “Cử nhân luật ra trường phải công tác 3 năm liền ở cơ quan pháp luật thì mới cấp thẻ tư vấn viên pháp luật”, “Cộng tác viên pháp lụât, phải công tác tại các cơ quan pháp luật 10 năm (nếu không có bằng cử nhân luật) thì mới được công nhận là cộng tác viên trung tâm tư vấn pháp luật”. Tiêu chuẩn tư vấn viên và cộng tác viên như vậy là quá khắc khe chưa phù hợp với thực tiễn .Bộ Tư pháp cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ tư vấn viên, công tác viên tư vấn pháp luật; cung cấp kịp thời văn bản luật, các tài liệu chuyên môn nghiệp vụ nhằm phục vụ tốt hơn cho các tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật hoạt động có hiệu quả.

Nguyễn Huỳnh Huyện