Thực trạng công tác TTPBGDPL và Công tác văn bản QPPL ở cấp xã tại Ninh Bình

21/03/2008
Cải cách hành chính trong lĩnh vực tuyên truyền pháp luật và công tác văn bản QPPL là nội dung chính của Đề án cải cách hành chính giai đoạn 2 (2008-2010) do Sở Tư pháp thực hiện với sự phối hợp của Ban quản lý Dự án CCHC tỉnh và sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Na Uy.

Để thực hiện được nội dung trên, vừa qua, Sở Tư pháp Ninh Bình đã phối hợp với Ban quản lý Dự án CCHC tỉnh tổ chức đợt khảo sát, điều tra Thực trạng công tác Tuyên truyền PBGDPL và công tác văn bản QPPL tại cấp xã theo phương pháp điều tra xã hội học, phát phiếu điều tra trực tiếp đến các đối tượng tham gia và kết hợp với phỏng vấn trực tiếp  bổ sung thông tin cho kết quả điều tra khảo sát . Nhằm ghi nhận ý kiến của người dân và cán bộ chính quyền cấp xã về công tác TTPBGDPL và thực trạng năng lực soạn thảo văn bản QPPL của cán bộ, công chức cấp xã, chất lượng văn bản QPPL của UBND cấp xã ở địa phương ban hành, cuộc điều tra khảo sát được tiến hành tại 5 xã điểm đại diện cho các vùng miền trong tỉnh: xã Cúc Phương huyện Nho Quan đại diện cho các xã vùng cao, xã Gia Hưng huỵện Gia Viễn đại diện cho các xã vùng chiêm trũng, xã Ninh khang huyện Hoa Lư đại diện các xã vùng ven đô thị, xã Đông Sơn Thị xã Tam Điệp đại diện các xã, phường ở đô thị, xã Kim Tân huyện Kim Sơn đại diện các xã vùng ven biển.

Mục đích của cuộc điều tra, khảo sát: 

* Đối với công tác văn bản QPPL: 

- Đánh giá đúng thực trạng về năng lực soạn thảo văn bản QPPL của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã ở địa phương; chất lượng của văn bản QPPL của UBND cấp xã ở địa phương ban hành trong thời gian qua và thực trạng về sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân địa phương vào Dự thảo văn bản QPPL của UBND cấp xã ở địa phương trước khi ban hành.

- Trình UBND cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế về xây dựng và ban hành văn bản QPPL của UBND cấp xã ở địa phương để áp dụng thí điểm thực hiện tại 5 xã trên qua đó tổng hợp đánh giá rút kinh nghiệm cho việc áp dụng thực hiện Quy chế trên diện rộng  trong phạm vi toàn tỉnh.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả văn bản QPPL của UBND cấp xã ở địa phương ban hành, góp phần nâng cao  hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.

* Đối với công tác tuyên truyền PBGDPL: 

- Đánh giá thực trạng  công tác tuyên truyền PBGDPL tại một số đơn vị địa phương trong tỉnh, thí điểm các giải pháp nhằm đẩy mạnh một số hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hiện có, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân ở xã, phường, thị trấn nhất là những xã khó khăn.

- Thông qua hoạt động khảo sát  đưa ra các kiến nghị, đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thể chế phù hợp, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các chuyên mục pháp luật trên Đài phát thanh và truyền hình, Báo Ninh Bình và các chuyên đề Bản tin nội bộ cơ quan, đoàn thể kịp thời phổ biến chuyển tải các văn bản pháp luật mới ban hành cho cán bộ, hội viên đoàn viên và các tầng lớp nhân dân biết thực hiện.

- Đánh giá đúng nhận thức của cán bộ nhân dân địa phương về công tác tuyên truyền PBGDPL những khó khăn về kinh phí, đội ngũ cán bộ, phương tiện kỹ thuật, phong tục tập quán ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, từ đó có được kiến nghị xác đáng các giải pháp phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.

- Đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ PBGDPL nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật hoà giải viên cơ sở.

- Kiến nghị lựa chọn hình thức tuyên truyền PBGDPL phù hợp với đặc thù của từng địa phương từng nhóm đối tượng. 

Kết quả cuộc điều tra khảo sát cho thấy: 

Đối với công tác văn bản QPPL ở cấp xã năng lực tham gia soạn thảo văn bản QPPL của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế. Dự thảo văn bản QPPL của UBND cấp xã đã được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân địa phương trước khi ban hành tuy nhiên vẫn còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao ( 26,67% được tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp, 80,67% tham gia đóng góp ý kiến thông qua hội nghị lấy ý kiến của nhân dân, 21.33% tham gia bằng các hình thức khác). Chất lượng văn bản QPPL của UBND cấp xã ban hành đã hạn chế được những sai phạm về thẩm quyền song vẫn còn không ít những sai phạm về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Qua điều tra cho thấy có tới 44% cán bộ công chức được điều tra khảo sát chưa nhận biết được thẩm quyền của UBND cấp xã chỉ được ban hành 2 loại văn bản QPPP là Quyết định và Chỉ thị; có tới 10-20% cán bộ công chức chưa xác định được trong công tác quản lý Nhà nước của cấp chính quyền cơ sở lĩnh vực nội dung nào cần ban hành dưới hình thức văn bản QPPL và nội dung nào cần ban hành dưới hình thức văn bản hành chính khác.

Tuy nhiên một điều đáng mừng thông qua cuộc khảo sát cho thấy cũng có tới 92% cán bộ công chức được điều tra khảo sát đã thể hiện được hiểu biết của mình khi nói đến sự khác nhau về thể thức và nội dung giữa 2 loại văn bản QPPL và văn bản Hành chính  và 100%  cán bộ công chức đều cho rằng văn bản dưới dạng QPPL do UBND cấp xã ban hành có tác động thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương phát triển. Có thể nói thời gian qua từ sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền công tác văn bản đã được các xã, phường, thị trấn chú trọng, thông qua việc tập huấn về công tác văn bản QPPL, thông qua các đợt triển khai Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND và những văn bản pháp luật liên quan, thông qua các đợt kiểm tra về công tác ban hành văn bản tại cấp xã …  công tác văn bản ở cơ sở đã từng bước đi vào nề nếp.

Tuy nhiên vẫn có tới 46% cán bộ công chức chưa được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng văn bản QPPL. Trước yêu cầu nâng cao năng lực soạn thảo văn bản QPPL của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã và nâng cao chất lượng hiệu quả  văn bản QPPL của UBND cấp xã ở địa phương thì có tới 98% cán bộ công chức đều thể hiện mong muốn, nhu cầu đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL trong đó chú trọng đến tập huấn  kỹ năng phân biệt văn bản QPPL với văn bản hành chính,  trình tự thủ tục xây dựng và ban hành văn bản QPPL, kỹ năng soạn thảo văn bản QPPL. 

Đối với công tác tuyên truyền pháp luật:

Thông qua kết quả khảo sát cho thấy công tác tuyên truyền pháp luật những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Ở các xã miền núi, vùng khó khăn, vùng xa như xã Cúc Phương huyện miền núi Nho Quan, xã Kim Tân huyện miền biển Kim Sơn các cấp chính quyền  đã chú trọng đầu tư cho công tác tuyên truyền pháp luật, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, một trong những nhiệm vụ cơ bản cần thực hiện trong chương trình quốc gia về “xoá đói giảm nghèo” trong lĩnh vực pháp luật cho đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Nhu cầu hiểu biết về các quy định của pháp luật trong cộng đồng dân cư  hiện nay được đánh giá rất lớn, chính vì vậy mà kết quả khảo sát cho thấy có tới gần 100%  số người được hỏi đều cho rằng cần đẩy mạnh công tác TTPBGDP cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân.

 Trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức và phương pháp. Tuy nhiên kết quả khảo sát tại 5 xã làm điểm cho thấy: Tại các xã, phường hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Trung ương,  Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh 3 cấp được đại đa số người dân tiếp cận và cho là có hiệu quả, tiếp đến là hình thức triển khai Hội nghị phổ biến luật và  sau nữa là hoạt động Hoà giải cơ sở. Riêng mô hình Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn thì chưa phát huy hết được hiệu quả thiết thực của mình. Lý giải điều này một số người cho rằng đầu sách tại các tủ sách quá thiếu, trong khi đó quy chế quản lý, khai thác thì quá nguyên tắc, thủ tục mượn rườm rà, kinh phí đầu tư mua đầu sách mới rất hạn hẹp không đáp ứng kịp thời nhu cầu tra cứu tìm hiểu các quy định pháp luật mới của cán bộ cũng như nhân dân. Thời gian qua mặc dù Ngành Tư pháp Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác phối kết hợp với nhiều ban ngành đoàn thể khác triển khai một số hình thức tuyên truyền khác song vẫn chưa phát huy được hiệu quả như: Tổ chức sinh hoạt mô hình các câu lạc bộ pháp luật, CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm, tuyên truyền lồng ghép tại các lễ hội văn hoá văn nghệ, hoạt động trợ giúp pháp lý…nhiều mô hình  phát huy được hiệu quả trong cộng đồng dân cư nhưng lại đang trong thời gian thí điểm chưa nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh nên người dân chưa có cơ hội tiếp cận như mô hình Câu lạc bộ TGPL, mô hình Tủ sách pháp luật tại thôn, bản.  Hiện nay chất lượng của công tác thông tin PBGDPL qua các Hội nghị còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chính quyền cơ sở không đủ kinh phí để bố trí báo cáo viên pháp luật. Trong khi đó lực lượng cán bộ công chức cấp xã có trình độ Đại học Luật, Trung cấp Luật rất thiếu do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác tuyên truyền tại cơ sở.

 Một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trước tiên là các cấp uỷ chính quyền cần quan tâm hơn nữa công tác này, bên cạnh đó cần có cơ chế hợp lý và chính sách ưu đãi để thu hút những cán bộ có năng lực tham gia đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, thường xuyên được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật. Tuỳ theo từng vùng miền đặc điểm dân cư khác nhau mà có được hình thức tuyên truyền hiệu quả đảm bảo cho các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống, hình thành ý thức tôn trọng và thực hiện pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Mặc dù kết quả khảo sát chỉ được thực hiện ở 5 xã thí điểm song về cơ bản cũng đã phản ánh được thực trạng công tác văn bản QPPL và tuyên truyền pháp luật ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Những tồn tại khó khăn và vướng mắc sẽ là cơ sở để Sở Tư pháp Ninh Bình đề xuất cơ quan có thẩm quyền có giải pháp hợp lý nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng ban hành văn bản QPPL của UBND cấp xã và chất lượng công tác tuyên truyền PBGDPL tại các địa phương. Xây dựng Quy trình mẫu về thực hiện Tuyên truyền PBGDPL và ban hành văn bản QPPL của UBND tại 5 xã điểm tiến tới thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh. Đảm bảo triển khai có hiệu quả Đề án cải cách hành chính trong lĩnh vực Tuyên truyền PBGDPL và Công tác văn bản QPPL giai đoạn 2 tại Ninh Bình. 

Thiều Thị Tú