Đăk Lăk: Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp quý I năm 2008

21/03/2008
Trong quý I/2008, trên cơ sở bám sát phương hướng, nhiệm vụ đã được Bộ Tư pháp xác định tại Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 ban hành Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2008 và các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã đề ra trong năm 2008; Sở Tư pháp Đăk Lăk đã tập trung lãnh đạo cán bộ, công chức trong toàn ngànhh triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác và đã đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

1. Công tác Tổ chức – Đào tạo:

- Đối với cơ quan Sở: Trong quý I/2008 Sở đã tiến hành đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2007 theo quy định; triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cơ quan Sở theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành Quy định về thực hiện chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức của Sở; ra quyết định phân bổ chỉ tiêu biên chế năm 2008 cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản và 03 Phòng Công chứng số 1, số 2, số 3. Đồng thời, Sở đã ra quyết định bổ nhiệm 01 lãnh đạo cấp phòng; điều động, phân công công tác 01 cán bộ thuộc diện hợp đồng lao động; nâng bậc lương cho 02 cán bộ, công chức, hoàn thành báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2007 và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức năm 2008.

- Đối với cơ quan Thi hành án: Sở đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp ra quyết định và tổ chức công bố thành lập Thi hành án dân sự huyện Cư Kuin; điều động và bổ nhiệm chức danh Trưởng Thi hành án dân sự huyện Lăk; ra quyết định bổ nhiệm phó trưởng Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Păk; bổ nhiệm 01 Chấp hành viên, cho 01 Chấp hành viên nghỉ việc theo chính sách tinh giản biên chế; tuyển dụng 05 công chức, tiếp nhận 01 công chức; ra quyết định nâng lương đợt 02/2007 cho 21 Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự. Hiện nay, các cơ quan Thi hành án dân sự đã bố trí 150/163 biên chế Bộ Tư pháp giao; trong đó, Thi hành án dân sự tỉnh bố trí 24/25 biên chế (8 chấp hành viên, 16 cán bộ, chuyên viên), 14 Thi hành án dân sự cấp huyện bố trí 126/138 biên chế (36 chấp hành viên, 90 cán bộ, chuyên viên).

- Đối với Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp: Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh dự thảo Chỉ thị của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của các Phòng Tư pháp , Ban Tư pháp; đến nay, tổng biên chế của 14 Phòng Tư pháp là 60 người, 9/14 Phòng Tư pháp có trưởng và phó trưởng phòng, 01 Phòng Tư pháp bố trí 06 biên chế, 04 Phòng Tư pháp bố trí 05 biên chế, 08 Phòng Tư pháp  bố trí 04 biên chế; tổng số cán bộ Tư pháp - Hộ tịch của 180 xã, phường, thị trấn là 320 người, trong đó 50/64 xã, phường, thị trấn được bố trí 02 cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch chuyên trách.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng: Sở đã cử 03 công chức cơ quan Sở đi học lớp bồi dưỡng Công nghệ thông tin do UBND tỉnh tổ chức; cử 14 Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, huyện tham dự lớp tập huấn công tác kế toán cho chủ tài khoản và kế toán nghiệp vụ thi hành án do Bộ Tư pháp  tổ chức. Hiện nay, Sở đang chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tiến hành các công tác chuẩn bị để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tư pháp Cho chủ tịch UBND và cán bộ hộ tịch – tư pháp cấp xã.

2. Công tác văn bản quy phạm pháp luật:

Ngay từ đầu năm Sở đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh năm 2008; đồng thời, chuẩn bị tốt nội dung cho UBND tỉnh làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngànhh của Trung ương kiểm tra công tác văn ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư và quy hoạch, kết quả đã rà soát 133 văn bản, gồm 03 danh mục văn bản (90 văn bản hiện hành, 35 văn bản hết hiệu lực thi hành, 08 văn bản đề nghị bãi bỏ) và trình UBND tỉnh ra quyết định công bố làm cơ sở cho các Sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện; đồng thời, đang tập trung triển khai việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp. Trong quý I/2008, Sở đã chỉ thị  thẩm định 23 văn bản quy phạm pháp luật (21 Nghị quyết, 15 Quyết định, 06 Chỉ thị),góp ý 25 văn bản (18 Quyết định, 04 Chỉ thị, 03 Đề án) do các Sở, ngành soạn thảo trình HĐND, UBND tỉnh ban hành.

Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng xây dựng, góp ý, thẩm định, rà soát, hệ thống văn bản và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở tỉnh, Sở đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, rà soát và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Trong quý I/2008, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã xây dựng 16 văn bản, thẩm định, góp ý 37 văn bản (24 văn bản quy phạm pháp luật, 13 văn bản áp dụng pháp luật), tự kỉểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền 55 văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Tư pháp EaH’Leo, Krông Bông, Cư Kuin đã tham mưu UBND huyện tổ chức các Hội nghị tập huấn công tác văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; Phòng Tư pháp Ea Súp đã hoàn thành công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của huyện ban hành đến 31/12/2007; các Phòng Tư pháp như: EaH’Leo, Krông Bông, Krông Năng, Krông Păk đang tập trung rà soát, hệ thống hoá văn bả quy phạm pháp luật do HĐND và UBND huyện ban hành.

3. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý:

a. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật:

Trong quý I/2008, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008, phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” tỉnh Đăk Lăk lần thứ I, thành lập Ban Tổ chức cuộc thi và triển khai xây dựng Thể lệ cuộc thi; tập trung chuẩn bị nội dung và tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt 07 luật mới ban hành cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh; tham mưu Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh tiến hành tổng kết công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 và ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong năm 2008.

Sở đã phát hành 10.500 cuốn Bản tin Tư pháp hàng tháng, 398.500 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về Luật Cư trú, Luật Bình đẳng giới, Luật Dạy nghề, pháp luật về dân chủ cơ sở, pháp luật về an toàn giao thông đường bộ… cấp phát cho cơ sở theo chương trình quốc gia giảm nghèo năm 2007 và thực hiện kế hoạch của Sở. Đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện 03 chuyên mục Pháp luật với Đời sống, gồm các chuyên đề về công tác hoà giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới để phát trên sóng của Đài. Hiện nay, Sở đang tập trung xây dựng kế hoạch tuyên truyền các văn bản về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kế hoạch biên soạn tờ gấp tuyên truyền pháp luật của Sở và theo Chương trình mục tiêu xoá đói, giảm nghèo để triển khai thực hiện trong năm 2008.

Thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 của tỉnh, đến nay 14/14 huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng địa phương, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tham mưu UBND cùng cấp tổ chức hàng chục Hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Cư trú, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật công chứng, Luật quản lý thuế, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ… và các văn bản pháp luật mới ban hành cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và nhân dân ở cơ sở; Phòng Tư pháp thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện: Krông Năng, EaH’Leo, Krông Bông, EaKar… đã tổ chức các Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng  nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, công tác hoà giải ở cơ sở cho cán bộ cấp huyện, xã và hoà giải viên cơ sở; đồng thời các Phòng Tư pháp thường xuyên phối hợp với Đài Truyền thanh- Truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân ở cơ sở.

b. Công tác trợ giúp pháp lý:

Trong quý I/2008, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thụ lý và giải quyết 55 vụ việc, tổ chức 12 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, kết hợp với tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho gần 1.000 cán bộ và nhân dân tại các thôn, buôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Krông Buk, Krông Ana, Lăk, Krông Năng, Cưm’Gar, EaKar, Krông Păk và thành phố Buôn Ma Thuột (trong đó có hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số). Đồng thời, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2008, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác trợ giúp pháp lý lưu động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai thực hiện trong năm 2008.

4. Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp:

a. Công tác hành chính tư pháp:

Sở đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Công chứng triển khai thực hiện Nghị định số 02/2007NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật công chứng; gắn với tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực: hộ tịch, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức đến giao dịch. Trong quý I/2008, Sở đã thụ lý mới 170 trường hợp yêu cầu về hộ tịch, lý lịch tư pháp, giải quyết xong 176 trường hợp (có 20 trường hợp từ năm trước chuyển sang), trong đó: Đăng ký kết hôn thụ lý 17 trường hợp, giải quyết xong 14 trường hợp; cấp phiếu lý lịch tư pháp thụ lý 147 trường hợp, giải quyết xong 167 trường hợp; đăng ký khai sinh thụ lý 04 trường hợp, giải quyết xong 02 trường hợp; cấp 01 giấy chứng nhận hoạt động cho Văn phòng luật sư… Các Phòng Công chứng đã công chứng 727 trường hợp, 2.260 văn bản, thu lệ phí 131.879.000 đồng (Phòng Công chứng số 1 công chứng 588 trường hợp, 1.767 bản, thu lệ phí 104.090.000 đồng; Phòng Công chứng số 2 công chứng 94 trường hợp. 352 bản, thu lệ phí 11.499.000 đồng; Phòng Công chứng số 3 công chứng 45 trường hợp,141 bản, thu lệ phí 16.290.000 đồng). Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã chứng thực 523 trường hợp, thu lệ phí 5.864.000 đồng; giải quyết 53 trường hợp cải chính hộ tịch, 172 trường hợp cấp lại giấy khai sinh; UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện chứng thực 18.716 trường hợp, 25.670 bản , thu lệ phí 48.742.000 đồng, 1.892 trường hợp đăng ký khai sinh, 229 trường hợp đăng ký khai tử, 1.648 trường hợp đăng ký kết hôn, giải quyết 19 trường hợp cải chính hộ tịch… đảm bảo kịp thời đúng pháp luật.

Ngoài ra, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở đã phối hợp với Viện Khoa học pháp lý tiến hành khảo sát về thi hành án dân sự tại cộng đồng và các biện pháp tư pháp khác trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk từ năm 2000 đến nay; đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tiến hành tự kiểm tra tình hình quản lý các trường hợp cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài trên địa bàn tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp.

b. Công tác quản lý các tổ chức bổ trợ tư pháp:

Sở tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Giám định Tư pháp, nhất là việc bổ nhiệm giám định viên chuyên ngành và kiện toàn, củng cố Trung tâm Pháp y đi vào hoạt động ổn định; trong quý I/2008, Trung tâm Pháp y đã giám định 332 vụ (giám định thương tật 224 vụ, giám định tử thi 108 vụ). Đoàn Luật sư của tỉnh hiện có 29 luật sư (21 luật sư chính thức, 08 luật sư tập sự), hoạt động tại 10 văn phòng luật sư; các tổ chức hành nghệ luật sư đã thực hiện 71 vụ bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, đương sự, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác cho 82 trường hợp.

Trung tâm Dịch vụ bán đấu gía tài sản đã ký 26 hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để tổ chức bán đấu giá; tổ chức 28 cuộc bán đấu giá tài sản, thu 4.675.323.860 đồng, chi trả tiền bán tài sản 3.331.848.232 đồng thanh lý 21 hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản; đồng thời Trung tâm đã thực hiện tốt việc nhận tài sản đã được uỷ quyền, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu từ các cơ quan, tổ chức chuyển giao để bán đấu giá sung công quỹ Nhà nước. Hoạt động hoà giải ở cơ sở tiếp tục hoạt động ổn định, trong quý I/2008 các tổ chức hoà giải trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 182 vụ việc, hoà giải thành 122 vụ việc, đạt tỷ lệ 67,03%.

5. Công tác thanh tra, tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo:

Trong quý I/2008, Sở đã duy trì thường xuyên công tác tiếp công dân đến trình bày các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động của ngành; nhận 06 đơn khiếu nại, trong đó 03 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành, 03 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự đã được Sở chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự giải quyết theo thẩm quyền. Tổ chức thanh tra chuyên ngành về công tác hộ tịch, chứng thực tại 05 xã, phường trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (UBND xã Ea Kao, UBND các phường: Khánh Xuân, Ea Tam, Thống Nhất, Tân Hoà), 05 đơn vị trên địa bàn huyện Cư M’Gar (UBND thị trấn Quảng Phú, Ea Pôk, UBND xã Quảng Tiến, Phòng Tư pháp và UBNF huyện Cư M’Gar); đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch thanh tra công tác hộ tịch, chứng thực tại UBND các xã Hoà Thắng, Hoà Khánh, UBND phường Tân Thành, Thành Công, Thành phố Buôn Ma Thuột; gắn với thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị được thanh tra trong năm 2007 khắc phục những tồn tại, hạn chế sau kết luận thanh tra.

6. Công tác thi hành án dân sự:

Sở thường xuyên chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự, gắn với giải quyết dứt điểm các đơn, thư khiếu kiện về thi hành án dân sự, nên đã đạt được một số kết quả (số liệu tính từ ngày 01/01/2007 đến ngày 29/02/2008): Tổng số việc phải thi hành là 7.271 việc, số việc có điều kiện thi hành là 4.514 việc; đã giải quyết xong 2.393 việc, đạt tỷ lệ 53,01%. Tổng số tiền phải thi hành là 79.372.896.000 đồng; đã thi hành xong: 32.236.053 đồng, đạt tỷ lệ 40,61%; chuyển kỳ sau thi hành tiếp 4.878 việc, tương ứng số tiền 107.792.594.000 đồng. Số vụ việc thi hành án do UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành là 577 việc, tương ứng số tiền 135.132.000 đồng; đã thi hành xong 169 việc, tương ứng số tiền 46.822.000 đồng, đạt tỷ lệ 29,28% về số việc và 34,64% về số tiền.

Các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã thụ lý và giải quyết dứt điểm 25 đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác thi hành án dân sự; trong đó thi hành án dân sự tỉnh thụ lý và giải quyết 07 đơn, Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thụ lý và giải quyết 18 đơn.

Niê Khánh Hải