Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp lấy ý kiến về đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh

01/01/0001
Nằm trong các hoạt động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, ngày 23/5/2012, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Ông Nguyễn Am Hiểu - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế chủ trì phiên họp.

Tới dự phiên họp có đại diện Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP Hồ Chí Minh, Ban chính sách - pháp luật, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện một số sở, ngành của TP Hồ Chí Minh: Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Hội Luật gia thành phố, Khoa luật Dân sự - Đại học Luật TP Hồ Chí Minh….

Tại phiên họp, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế đã giới thiệu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, một số vướng mắc, bất cập và một số định hướng trong sửa đổi, bổ sung luật. Thảo luận tại phiên họp, đa số các cơ quan và chuyên gia đều nhất trí, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cần được sửa đổi cơ bản. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi trên nhiều khía cạnh về các vấn đề: thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn; vấn đề gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc về gia đình, trách nhiệm của gia đình đối với xã hội và trách nhiệm của Nhà nước về gia đình; ly thân; kết hôn giữa những người cùng giới tính; nam - nữ chung sống như vợ chồng; tuổi kết hôn; chế độ tài sản của vợ chồng; mang thai hộ… Một số vấn đề có ý kiến trái chiều nhau như kết hôn giữa những người cùng giới tính, ly thân.

Trên cơ sở kết quả phiên họp, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế sẽ khẩn trương xây dựng báo cáo trình lãnh đạo Bộ Tư pháp về những định hướng lớn trong tổ chức, thực hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp