Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): Từ Bộ trưởng đến mỗi cán bộ phải luôn tự hoàn thiện mình

01/01/0001
Hiện nay, công tác triển khai quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, đang được các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Điều đó tạo ra bầu không khí tích cực, có sức lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội với kỳ vọng Đảng sẽ có sức mạnh mới xứng đáng với niềm tin của nhân dân ta trong hơn 80 năm qua. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã bày tỏ những suy nghĩ tâm huyết và trách nhiệm về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ.

Chỉnh đốn Đảng tiến hành cùng sửa đổi Hiến pháp

Thưa Bộ trưởng, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trung ương yêu cầu các cấp cần có đánh giá, nhìn nhận khách quan, nhìn thẳng vào sự thật. Thực tế có đến đâu, nói đến đó, không tô hồng cũng không bôi đen.

Đây là vấn đề đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và sự nhất trí cao của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị. Vậy Bộ trưởng nhìn nhận, đánh giá và chuẩn bị triển khai Nghị quyết này như thế nào trong ngành Tư pháp thời gian tới?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nghị quyết 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", đặc biệt là bài phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã và đang tạo ra một bầu không khí chính trị tích cực, lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội.

Đây có thể xem là một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng về quyết tâm của Ban chấp hành Trung ương, của người đứng đầu Đảng ta trong việc chấn chỉnh những yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại trong Đảng, đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, không né tránh, Trung ương đã chẩn đoán "căn bệnh" mà một bộ phận Đảng viên đang mắc phải, trong đó có những người giữ vị trí cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước, đồng thời đề ra những chủ trương, giải pháp khắc phục, tuy mới là mang tính nguyên tắc chỉ đạo chung, nhưng cũng rất thuyết phục và hoàn toàn có thể thực hiện được trong thực tế. Vấn đề bây giờ là từng cấp, từng ngành, từng địa phương, mà trước tiên là những người đứng đầu của cấp ủy và chính quyền, phải bắt tay vào làm thật sự, làm đúng như Nghị quyết của Đảng, Tổng Bí thư đã nói, tuyệt đối không thể để nhân dân thất vọng vì nhân dân đang trông đợi xem chúng ta, những đảng viên, làm như thế nào trên thực tế.

Trước khi nói về nhiêm vụ thực hiện Nghị quyết của Bộ Tư  pháp, tôi muốn chia sẻ một điều làm tôi tâm đắc nhất, đó là công tác chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai và sẽ đồng hành với quá trình cả hệ thống chính trị và toàn dân ta tập trung cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phù hợp với tình hình mới. Giữa hai công việc trọng đại này có mối liên hệ mang tính bản chất vì cùng giải quyết 3 vấn đề then chốt, trụ cột của đất nước, đó là: Dân chủ, Nhà nước pháp quyền và Đảng cầm quyền, trong đó trọng tâm của trọng tâm là vấn đề kiểm soát quyền lực.

Quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị đều bắt nguồn từ nhân dân, đều do nhân dân giao phó cho Nhà nước, cho Đảng - người đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc, thực hiện; các quyền lực đó đều phải được kiểm soát để phục vụ đúng đắn lợi ích của nhân dân, để không bị tha hóa trong tay những cơ quan, những người nắm quyền lực Nhà nước, quyền lực của Đảng – căn bệnh nghiêm trọng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Hội nghị Trung ương 4 đã xác định.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này phải nhằm hiến định nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước, đồng thời hiến định chế độ chịu trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; chế độ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên, của Nhà nước, các cơ quan nhà nước và mọi cán bộ, công chức theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XI. Hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật theo các định hướng nêu trên chính là củng cố cơ sở chính trị- pháp lý cho việc góp phần loại trừ nguyên nhân, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận cán bộ, đảng viên; ngược lại, chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn từ từng đảng viên, từng cơ quan nắm giữ quyền lực, sẽ chính là cái gốc để hiện thực hóa các nguyên tắc hiến pháp về chủ quyền nhân dân, về Nhà nước pháp quyền và về vị trí, sứ mệnh, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Trên tinh thần đó, với trách nhiệm là người đứng đầu Bộ Tư pháp - cá nhân tôi, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 4 kết thúc, đã cùng Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo việc lồng ghép những chủ trương, định hướng của Nghị quyết vào các Chương trình, kế hoạch công tác của ngành trong năm 2012 và giai đoạn 2012-2016. Theo đó, khẳng định công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, thi hành án dân sự từ Trung ương đến cơ sở trong sạch, vững mạnh phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ, đặc biệt là nhiệm vụ của cơ quan thường trực giúp việc Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Tới đây, trên cơ sở Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy cơ quan Bộ Tư pháp sẽ xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt và chỉ đạo triển khai Nghị quyết này một cách nghiêm túc, thiết thực.

Yêu cầu bức thiết của ngành Tư pháp: Hạn chế, đẩy lùi tiêu cực

Bộ trưởng đánh giá "tính cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay" trong Bộ Tư pháp như thế nào, nhất là việc nhìn thẳng vào những yếu kém, tồn tại của cán bộ tư pháp hiện nay?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chúng tôi xác định công tác xây dựng Đảng trong Bộ Tư pháp là nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm trong Chiến lược phát triển của ngành, vì những lý do sau:

Thứ nhất, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã chỉ ra, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, và nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Bộ Tư pháp có đặc thù vừa là cơ quan giúp Chính phủ và UBND các cấp trong việc quản lý hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật vừa trực tiếp quản lý nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính - tư pháp như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, thi hành án dân sự...

Do đó, sự không vững vàng về bản lĩnh chính trị,  non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ và suy thoái về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức sẽ vừa có thể gây ra những lỗ hổng, khiếm khuyết về thể chế, tạo môi trường làm phát sinh tiêu cực, vừa có thể là tác nhân trực tiếp gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Một số hoạt động bổ trợ tư pháp vốn là những nghề được sinh ra để hỗ trợ cho người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình như luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, giám định tư pháp..., nếu người thực hiện không thường xuyên tự chỉnh đốn và không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý hoặc từ phía hiệp hội nghề nghiệp thì cũng dễ dàng “đánh mất mình”, đặt lợi ích cá nhân lên trên các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, do đó, có thể trở thành yếu tố cộng sinh gây tổn thất về lợi ích và lòng tin của nhân dân vào pháp luật, công lý, công bằng.

Vì vậy, việc hạn chế và đẩy lùi những tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết cho công tác xây dựng Đảng nói riêng và chiến lược phát triển chung. 

Thứ hai, vấn đề xây dựng Đảng suy cho cùng là vấn đề về cán bộ mà cán bộ là nhân tố quyết định mọi thành bại của công việc. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì, mặc dù đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và nâng cao đáng kể về trình độ, nhưng đội ngũ cán bộ của Bộ Tư pháp còn nhiều hạn chế, bất cập, đó là: sự thiếu hụt đội ngũ chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực, nhất là chuyên gia ở tầm phân tích, hoạch định chính sách; sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ chưa ổn định, vẫn còn có sự hẫng hụt; một bộ phận không nhỏ cán bộ tư pháp, thi hành án dân sự còn hạn chế về trình độ, năng lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch ở cơ sở; tính chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học trong thực thi công vụ chưa cao.

Sự bất cập trong chế độ, chính sách chung đối với cán bộ, sự tác động của nền kinh tế thị trường đang tạo nên những khó khăn không nhỏ trong việc thu hút, giữ chân những cán bộ có năng lực, ảnh hưởng đến sự nhiệt tình, tâm huyết cống hiến và gắn bó của cán bộ với ngành và trong một số trường hợp, còn là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tiêu cực, vi phạm kỷ luật hành chính, đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự của một số cán bộ của ngành trong thời gian vừa qua.

Vì vậy, Bộ Tư pháp xác định công tác xây dựng Đảng trong Bộ cần phải được tổ chức quán triệt sâu sắc trong toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và quyết tâm tổ chức thực hiện khẩn trương, tập trung, đồng bộ và thống nhất với mục tiêu hướng tới xây dựng Bộ Tư pháp trong sạch, vững mạnh, gần dân, giúp dân và hiểu dân đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Từ Bộ trưởng đến mỗi cán bộ phải luôn tự hoàn thiện mình

Trung ương đã chỉ rõ tính chất và hậu quả của những yếu kém trên cả 3 vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay là nghiêm trọng, kéo dài, phổ biến ở các cấp, các ngành và diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Trong Bộ Tư pháp, những vấn đề trên cần được xem xét, đánh giá, nhìn nhận ra sao để có "liều thuốc" thực sự hiệu quả, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ 3 vấn đề cấp bách nổi lên trong xây dựng Đảng hiện nay. Thứ nhất, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống … của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Thứ hai, công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt là ở cấp Trung ương, cấp chiến lược còn yếu; công tác đánh giá, quản lý và sử dụng cán bộ còn nhiều bất cập. Thứ ba, nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" còn bất cập trong thực tế triển khai thực hiện, tạo kẽ hở trong quản lý và điều hành, chưa khuyến khích được người có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Đây là những vấn đề đã được nhận diện mang tính khái quát chung, kéo dài và phổ biến ở các cấp, các ngành. Bộ Tư pháp cũng không nằm ngoài những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết như đã nêu trên.

Xuất phát từ đặc thù quản lý và những tồn tại, hạn chế của đội ngũ cán bộ như đã đề cập ở phần trên, Bộ Tư pháp quyết tâm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan toàn diện và nghiêm túc các nguyên  nhân để có "liều thuốc" hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục những yếu kém, từ những yếu kém nhỏ nhất. Các mục tiêu, phương châm và giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 đã xác định sẽ được Bộ cụ thể hóa và triển khai thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động của ngành, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp sau đây:

Một là, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là Bộ trưởng và từng đồng chí thành viên Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, Đảng ủy cơ quan Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành phải tự giác trong việc tự hoàn thiện mình về bản lĩnh chính trị, về năng lực chuyên môn và quản lý, kiên định bảo vệ và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, định hướng của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cải cách hành chính và tư pháp; gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, tự sửa mình, cảnh giác trước những cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh rơi vào chủ nghĩa cá nhân; gương mẫu, đi đầu và quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lề lối làm việc đối với đội ngũ cán bộ của bộ, ngành; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân; các cơ quan, đơn vị, nhất là những đơn vị trực tiếp giải quyết các công việc trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đến quản lý con người, quản lý tài sản, kinh phí như Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Bổ trợ tư pháp, Cục Con nuôi, Vụ Kế hoạch- Tài chính, Văn phòng, Vụ Tổ chức, cán bộ ... cần phải xây dựng quy trình nghiệp vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, không bao che đối với những trường hợp sai phạm, nhất là vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ngành.

Hai là, thường xuyên phát huy dân chủ, xây dựng, củng cố đoàn kết nội bộ thật tốt, tạo sự đồng thuận trên cơ sở tuân thủ kỷ cương, kỷ luật, công khai, minh bạch. Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần phải tạo cơ hội và thật sự lắng nghe, tiếp thu, giải trình các ý kiến phản ánh, đóng góp, phê bình của công chức, viên chức; quan tâm, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề và tạo điều kiện để mỗi cán bộ, công chức nhất là đội ngũ cán bộ trẻ phát huy sở trường, yên tâm công tác và cống hiến; xây dựng bổ sung quy hoạch cán bộ, gắn với đào tạo, luân chuyển; thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác.

Ba là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu; xây dựng và thực hiện các chuẩn mực của người cán bộ tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN , góp phần hoàn thiện hình ảnh những "công bộc" tư pháp của nhân dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Nếu làm tốt được những điều này, theo tôi sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt các giải pháp tiếp theo trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác xây dựng Bộ Tư pháp nói riêng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng đã đề ra.

Nghị quyết “đã trúng”thì thực hiện phải quyết liệt, nếu không sẽ tạo hiệu ứng ngược

Bộ trưởng có trăn trở và kỳ vọng gì trong quá trình triển khai Nghị quyết cực kỳ quan trọng này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Phải nói là trong những ngày gần  đây, sự kiện Nghị quyết Trung ương 4 đang được thảo luận một cách sôi nổi với cả sự kỳ vọng cùng không ít băn khoăn, trăn trở, với mong muốn một Nghị quyết đã hay, đã trúng thì phải được thực hiện quyết liệt trong thực tế, vì, nếu không, nó có thể sẽ tạo hiệu ứng ngược.

Điều tôi trăn trở nhất là làm sao để có được sự kết hợp nhuần nhuyễn mang tính cộng hưởng, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau tốt nhất ngay trong từng bước triển khai Nghị quyết với việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đặt ra cho Bộ Tư pháp.

Tôi tin rằng toàn thể cán bộ, Đảng viên Bộ Tư pháp với nhận thức đúng đắn và quyết tâm cao sẽ nỗ lực triển khai có hiệu quả Nghị quyết hết sức quan trọng này, qua đó góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của Bộ Tư pháp và cho công tác xây dựng Đảng của Bộ.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Cổng TTĐT Chính phủ