Tọa đàm về đào tạo luật và đào tạo nghề Việt Nam - Lào

08/03/2012
Tọa đàm về đào tạo luật và đào tạo nghề Việt Nam - Lào
Sáng nay 8/3, tại Bộ Tư pháp Lào, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Kệt Kia-ti-sắc và Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội Trương Quang Vinh đã chủ trì tọa đàm về đào tạo luật và đào tạo nghề nước CHDCND Lào và nước CHXHCN Việt Nam.

Tọa đàm có sự tham gia của đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam tại Lào, đại diện các trường Luật các miền của Lào, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp Lào, VKSNDTC và TANDTC Lào. Đây là cơ hội để các các đơn vị đào tạo Luật của hai nước trao đổi kinh nghiệm và cơ hội tăng cường hợp tác, nhất là sau khi trường Đại học Luật Hà Nội và các trường Cao đẳng Luật các miền của Lào đã ký thỏa thuận hợp tác.

Theo đại diện Học viện tập huấn pháp luật và công tác tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Lào, cùng với chương trình cử sinh viên sang học tại Đại học Luật Hà Nội, công tác đào Luật tại Lào cũng được chú trọng. Nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở và trang bị kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên Luật, các trường Cao đẳng Luật thuộc Bộ Tư pháp Lào đang áp dụng thí điểm đưa sinh viên Luật đi thực hiện công tác tư pháp cơ sở tại 144 huyện trên toàn quốc và mở 152 với điểm học luật sơ cấp với 8.390 người.

Bộ Tư pháp cũng chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành tư pháp, đào tạo các chức danh tư pháp như thẩm phán, thi hành án, điều tra, hòa giải, công chứng, thành viên hội đồng LS. TANDTC và VKSNDTC Lào cũng trung tâm tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ. Công tác tập huấn về pháp luật và công tác tư pháp ở Lào được nhận định là cần thiết, được tiến hành liên tục để nâng cao nghiệp vụ của các luật gia trước mắt và lâu dài.

 

   

Học viện tập huấn pháp luật và công tác tư pháp có chức năng giúp Bộ trưởng trong đào tạo và nâng cao trình độ về pháp luật và công tác tư pháp theo yêu cầu. Trong đó có quản lý chuyên môn các trường cao đẳng Luật thuộc Bộ, nghiên cứu và lập kế hoạch về ngân sách cho bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi hệ thống giáo trình đào tạo cán bộ ngắn và dài hạn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, kinh phí, thiếu tính thực tiễn trong giảng dạy,… nhưng các trường Cao đẳng Luật của Lào dự kiến sẽ phấn đấu đào tạo được khoảng 35.000 người làm công tác pháp luật và tư pháp cho cơ sở.

Ông Trương Quang Vinh – Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội khẳng định, hợp tác đào tạo với Lào là một trong những trọng tâm trong chương trình hợp tác đào tạo quốc tế của trường. Nhiều người trong số sinh viên Lào tốt nghiệp tại Đại học Luật Hà Nội về nước đều đang nắm giữ những vị trí then chốt trong các cơ quan nhà nước của Lào. Các sinh viên khác đều được đánh giá cao về chuyên môn.

Đánh giá chung, sinh viên Lào có ý thức học tập tốt, chăm chỉ, giữ gìn nền nếp, kỷ luật. Tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên không nhiều do rào cản ngôn ngữ. Do vậy, vấn đề học tốt tiếng Việt trước khi sang học tại Đại học Luật Hà Nội là yêu cầu rất quan trọng, cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới.

Trước băn khoăn của đại diện Khoa Luật – Đại học Quốc gia Lào, ông Vinh cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo nhà trường cần quan tâm đến tất cả các khâu trong quá trình đào tạo mới làm nên chất lượng đào tạo tốt. Vì muốn có trò giỏi cần có giáo viên giỏi nên nâng cao chất lượng giáo viên là nhiệm vụ ưu tiên. Trường phấn đấu đến năm 2015 có 40% giảng viên có trình độ TS, GS, PGS. Cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình trên cơ sở học kinh nghiệm các nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và chuyển sang đào tạo tín chỉ. Tất cả các môn học đều cần có giáo trình và tài liệu kèm theo…

   

Giới thiệu về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam, ông Chu Hải Thanh – Phó Giám đốc Học viện Tư pháp – cũng chia sẻ với các bạn Lào những kinh nghiệm trong quá trình đào tạo là cần tăng cường sự phối kết hợp liên ngành, đào tạo chung theo 1 chương trình cho 1 số chức danh có nhiều liên quan đến nhau trong quá trình hành nghề như Luật sư, thẩm phán, Kiểm sát viên; tổ chức kỳ thi tư pháp quốc gia để tuyển được học viên có chất lượng, đồng thời khi bổ nhiệm sau đào tạo sẽ tránh được tư tưởng “cục bộ địa phương”…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào GS.Kệt Kia-ti-sắc bày tỏ tin tưởng vào chất lượng đào tạo Luật và nghề của Việt Nam, nhất là tại hai cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp và hy vọng, sẽ ngày càng có nhiều sinh viên Lào được sang học tại Việt Nam. Mong muốn kiện toàn đội ngũ các chức danh tư pháp của Lào. Thứ trưởng cảm ơn nhà nước Việt Nam đã chăm lo, nuôi dưỡng, đào tạo các sinh viên Lào và hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục giúp đỡ Lào, nhất là trong đào tạo các cấp sau đại học và trong lĩnh vực pháp luật.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, chuyến công tác của đoàn cán bộ Bộ Tư pháp tại Lào lần này có chương trình phong phú, trong đó có các cuộc tọa đàm giữa hai Bộ Tư pháp về đào tạo luật, THA theo đề nghị của Bộ trưởng Cha-lơn và chỉ đạo của Thủ tướng Thong-sính về việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa hai Bộ Tư pháp.

Điểm qua về hoạt động đào tạo nghề Luật, sự cần thiết của việc xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật – nền tảng cho quá trình xây dựng NNPQ, Bộ trưởng đã nêu lên thách thức đối với các nghề pháp luật, ngay cả đối với cán bộ, công chức làm nghề bảo vệ pháp luật ở Việt Nam, cũng như Lào như hiểu biết về pháp luật quốc tế, nhất là về kinh doanh, thương mại, hàng hải, hàng không… còn yếu nên hệ thống TA và giải quyết tranh chấp chưa được các nhà đầu tư nước ngoài tín nhiệm. Đề cập đến những hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo đại học nói chung ở Việt Nam trước yêu cầu trang bị kiến thức pháp luật và xây dựng ý thức pháp luật cho xã hội của quá trình hội nhập và tiến trình xây dựng NNPQ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh đến chất lượng, vai trò của trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp trong đào tạo luật và nghề luật với hy vọng, trong thời gian tới ngày càng nhiều sinh viên Lào chọn sang học tại hai cơ sở đào tạo này, nhất là sau khi trường Luật của hai Bộ Tư pháp đã ký thỏa thuận hợp tác có việc hỗ trợ dạy và học tiếng Việt pháp lý…

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về những hạn chế khi các nghề tư pháp chưa được quan tâm phát triển phù hợp, Bộ trưởng mong muốn Lào nhanh chóng hoàn thiện chiến lược xây dựng chức danh các nghề tư pháp và khẳng định, trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp cùng các trường Trung cấp Luật sắp được mở tại Quảng Bình và Sơn La sẽ sẵn sàng đào tạo các cán bộ pháp luật cho Lào./.

H.Giang

Từ năm 1995 (26 năm), ĐH Luật Hà Nội đào tạo cho Lào 136 cử nhân luật, với 2 SV tốt nghiệp loại giỏi, 5 SV tốt nghiệp loại khá, 81 SV tốt nghiệp loại TB khá, 48 SV tốt nghiệp loại TB. Hiện đang có 20 SV Lào theo học tại Đại học Luật Hà Nội.

Thời gian qua, các trường đã đào tạo luật cho được gần 18.000 người. Hiện 3 trường đang có 9.139 SV. Từ khi được nâng từ trường trung cấp Luật miền Bắc, miền Trung và miền Nam được nâng cấp lên cao đẳng đã có 4.074 SV tốt nghiệp chuyên ngành Luật. Tuy vậy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là trong hành chính và tư pháp địa phương.

Từ năm 2002 Học viện Tư pháp đã đào tạo 44 học viên Lào, trong đó năm 2002 có 2 học viên thẩm phán, năm 2009 có 22 học viên thẩm phán, năm 2010 có 20 học viên chấp hành viên (học 3 tháng).