“Sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) lần này nhất định chúng ta không ngại va chạm, không né tránh. Những vấn đề đã được đặt ra từ các lần sửa đổi trước mà chưa được đưa vào thì lần này cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận sâu”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh tại Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về định hướng sửa đổi BLHS được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 10/02.
Tránh sửa đi, sửa lại
Sửa đổi BLHS, cũng theo Thứ trưởng Hoàng Thế liên cần tiếp tục thể hiện chính sách nhân đạo (trong đó có vấn đề về hình phạt tử hình, phi hình sự hóa và các biện pháp tư pháp…); đáp ứng yêu cầu hội nhập, nội luật hóa các công ước mà Việt Nam tham gia. Đồng thời quy định một số tội phạm mới phát sinh như tội phạm công nghệ cao, chứng khoán, môi trường…Thứ trưởng lưu ý “tránh sửa đi sửa lại mà phải bảo đảm Bộ luật có sức sống lâu dài, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an thì sửa lần này chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số điều bức xúc từ thực tiễn. Theo ông Ngọc Anh, vấn đề quan trọng là áp dụng pháp luật như thế nào chứ không phải quy định của pháp luật. “Cần phải rà soát thật kỹ việc áp dụng Bộ luật trong thực tiễn, không nên sửa nhanh nếu chưa thực sự cần thiết”, Ông Anh đề xuất.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng nếu sửa cơ bản phải cần thời gian, còn sửa cấp bách một số điều thì chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt. Không nên từ sửa cơ bản nhưng do bị thực tiễn hối thúc mà lại chuyển sang sửa một số điều. Theo ông Hòa, nên để quá trình này tiến hành song song. “Quan trọng nhất là mở rộng nguồn quy định trực tiếp tội phạm và vấn đề pháp nhân, vì tất cả những nội dung sau đó đều sẽ động chạm đến nó”.
Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân?
Hiện nay, BLHS chỉ quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân mà chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Vấn đề này lại một lần nữa được đặt ra trong lần sửa đổi tới đây.
Theo ông Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương thì cần quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì cho rằng nhiều vụ pháp nhân vi phạm không xử lý được, nhất là nhóm tội phạm về kinh tế “Một chủ trương được cả tập thể quyết định rồi dẫn đến làm sai, nhưng tại sao lại chỉ có một cá nhân chịu trách nhiệm”, Ông Độ đặt câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đồng tình với ông Độ, tuy nhiên theo ông Hồng với quy định hiện tại đã có thể xử lý được đối với pháp nhân (một số tội). Tuy nhiên, quan trọng là việc áp dụng pháp luật trên thực tế. Ông Hồng dẫn vụ xả thải của VEDAN và cho rằng chưa cần xử lý hình sự thì riêng việc rút giấy phép đã là “khai tử” doanh nghiệp rồi.
Bên cạnh sự đồng tình, cũng có ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Mặc dù mới được sửa đổi gần đây nhất vào năm 2009, tuy nhiên BLHS đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn mới. Một trong những vấn đề này theo Luật sư Ngô Ngọc Thủy là một số hành vi nguy hiểm mới (như trong lĩnh vực môi trường, chứng khoán, công nghệ cao… nhưng lại chưa được quy định là tội phạm trong BLHS hiện hành. “Cần hình sự hóa các hành vi này”, Luật sư Thủy nói.
Còn theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hòa thì lĩnh vực bảo hiểm xã hội ngày càng phát triển nhưng chống vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực này lại chưa được quan tâm. Điển hình như các hành vi câu kết rút tiền bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm… chưa được xử lý. “BLHS hiện hành chỉ xử lý được một số hành vi trong lĩnh vực này nhưng lại chưa điển hình”.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, hai trong nhiều vấn đề lớn của lần sửa đổi này cần mạnh dạn đưa ra là trách nhiệm hình sự của pháp nhân và tổ chức tội phạm. Thứ trưởng cũng đồng tình phải rà lại chính sách hình sự thông qua thi hành BLHS.
Thu Hằng