Hội thảo Pháp luật về lý lịch tư pháp

31/10/2011
Hội thảo Pháp luật về lý lịch tư pháp
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác ba năm thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được ký kết giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, sáng nay (31/10), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Pháp luật về lý lịch tư pháp.

Tham dự Hội thảo có đại diện Viện KAS tại Hà Nội, Giáo sư Luật học Ansgar Staudinger, chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Đức; các Bộ, ngành liên quan như: Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính; các Sở Tư pháp, Tòa án, Thi hành án địa phương. Về phía Bộ Tư pháp có Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Tổng cục Thi hành án dân sự, Học viện tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Hành chính tư pháp. Thứ trưởng Phạm Qúy Tỵ đã đến dự và chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã được nghe ông Ansgar Staudinger, Giáo sư Luật học chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Đức giới thiệu về hệ thống pháp luật của Đức trong lĩnh vực quản lý lý lịch tư pháp, và bà  Đỗ Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia giới thiệu pháp luật về lý lịch tư pháp của Việt Nam. Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung chính bao gồm: Pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức về quản lý lý lịch tư pháp - những vấn đề Việt Nam cần quan tâm. Thực tiễn về xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Cộng hòa Liên bang Đức. Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức mà Việt Nam có thể tham khảo để áp dụng vào quản lý lý lịch tư pháp, đặc biệt trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những bất cập hiện nay về vấn đề này. Hệ thống pháp luật Việt Nam về quản lý lý lịch tư pháp, thực tiễn quản lý lý lịch tư pháp hiện nay tại Việt Nam; những khó khăn, thách thức và những giải pháp hiệu quả để giải quyết những khó khăn, thách thức này.

Bên cạnh đó Hội thảo cũng trao đổi, thảo luận làm rõ thêm những vấn đề quan trọng mang tính nguyên tắc, định hướng trong việc quản lý lý lịch tư pháp tại Việt Nam. Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Trên tinh thần cởi mở, khách quan, phát huy tinh thần trách nhiệm cao với công tác lý lịch tư pháp, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thẳng thắn trao đổi ý kiến nhằm phục vụ cho việc thực hiện Luật Lý lịch tư pháp đạt hiệu quả thiết thực.

Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia chia sẻ, ở hầu hết các nước trên thế giới, hệ thống quản lý lý lịch tư pháp được thiết lập và phát triển từ hàng chục đến hàng trăm năm nay và có vai trò tích cực đối với hoạt động tố tụng, quản lý nhà nước, bảo đảm quyền của công dân. Tại Cộng hòa liên bang Đức, thiết chế lý lịch tư pháp đã được hình thành từ rất sớm và là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quản lý tư pháp hình sự. Chính vì vậy, cơ sở lý luận, hệ thống thể chế và kinh nghiệm thực tiễn quản lý lý lịch tư pháp của Cộng hòa Liên bang Đức chắc chắn sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu, bổ ích cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang nỗ lực thực thi các quy định của Luật Lý lịch tư pháp, đặc biệt là trong hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Qúy Tỵ cho biết, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng môi trường pháp lý công bằng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền của công dân, góp phần vào công cuộc hội nhập quốc tế, Quốc hội đã thông qua Luật Lý lịch tư pháp vào ngày 17 tháng 6 năm 2009. Sau hơn một năm thực hiện Luật đã đạt được những kết quả đáng kể như việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật cũng như việc xây dựng hệ thống cơ quan quản lý lý lịch tư pháp từ Trung ương đến địa phương đang dần từng bước được kiện toàn. Tuy nhiên, quản lý lý lịch tư pháp là một lĩnh vực khá mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam nên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo đúng yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp. Thứ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện Luật Lý lịch tư pháp có hiệu quả thì việc tham khảo pháp luật của các nước có hệ thống lý lịch phát triển là hết sức cần thiết. Đồng thời cũng cần có sự đóng góp của các chuyên gia luật pháp, các đồng chí làm công tác lý lịch tư pháp tại địa phương và các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực này. Thứ trưởng đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo và cho rằng đây sẽ là dịp để các đại biểu đưa ra các đề xuất, khuyến nghị trên cơ sở học tập, trao đổi kinh nghiệm về lý lịch tư pháp của Cộng hòa Liên bang Đức nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý về lý lịch tư pháp của Việt Nam.

T/N