Tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người và kỹ năng làm việc với nạn nhân bị mua bán tại Bắc Giang

19/10/2011
Tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người và kỹ năng làm việc với nạn nhân bị mua bán tại Bắc Giang
Trong khuôn khổ Kế hoạch các hoạt động COMMIT Việt Nam năm 2011, được sự tài trợ của Dự án Liên minh các tổ chức Liên Hợp quốc về phòng chống mua bán người (UNIAP), Bộ Tư pháp (trực tiếp là Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính) đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức Tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người và kỹ năng làm việc với nạn nhân bị mua bán” vào hai ngày 17, 18/10/2011 tại Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Tham dự tập huấn có 40 đại biểu là trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước các tỉnh Bắc Giang; đại diện các cơ quan: Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các trợ giúp viên đại diện của Trung tâm TGPL tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hưng Yên. Đồng chí Đặng Văn Nguyên - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnhBắc Giang đã tới dự và phát biểu khai mạc tập huấn.

Với hai nội dung chính là bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người và trang bị kỹ năng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, cho người thực hiện trợ giúp viên pháp lý, tập huấn lần này là một trong những hoạt động nhằm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua vào ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2012 tới đây. Để giúp cho các nạn nhân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng như sớm ổn định cuộc sống, Điều 36 của Luật Phòng, chống mua bán người đã quy định về chế độ trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân bị mua bán, theo đó, nạn nhân được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người; trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Với quy định này, Luật Phòng, chống mua bán người đã bổ sung thêm một đối tượng mới được hưởng trợ giúp pháp lý so với các đối tượng được quy định tại Điều 10 của Luật Trợ giúp pháp lý. Do vậy, người thực hiện trợ giúp pháp lý cần phải được trang bị kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người và kỹ năng làm việc với nạn nhân bị mua bán để có thể thực hiện tốt các vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong thời gian tới.

Sau hai ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, dưới sự hướng dẫn của hai tập huấn viên là bà Nguyễn Hải Anh (Chuyên viên của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính) và ông Nguyễn Ngọc Anh (Điều phối viên của UNIAP), các tham dự viên đã được cập nhật thêm nhiều kiến thức và cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Thực trạng buôn bán người trong khu vực và Việt Nam; Khái niệm “buôn bán người” theo pháp luật quốc tế và cách hiểu về “mua bán người” theo pháp luật Việt Nam; sự giống nhau và khác nhau giữa khái niệm “buôn bán người” theo pháp luật quốc tế và cách hiểu về “mua bán người” theo pháp luật Việt Nam; Khái quát về hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế quy định về vấn đề phòng, chống buôn bán người; Khái quát về hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề phòng, chống mua bán người; Nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống mua bán người; 7 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và nhân quyền khi làm việc với nạn nhân bị mua bán; Một số vấn kỹ năng cơ bản khi làm việc với nạn nhân bị mua bán (tiếp xúc, quan sát, lắng nghe, phỏng vấn, truyền thông,…).

Tập huấn sử dụng phương pháp cùng tham gia (thuyết trình kết hợp với thảo luận nhóm, sắm vai giải quyết tình huống,…) nên đã tạo không khí sôi nổi, vui vẻ, giúp các tham dự viên tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả./.

Hoàng Giang