Ngày 22/7, tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp đã diễn ra Hội nghị giữa Bộ Tư pháp và Nhóm công tác số 03 - Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Tham dự Hội nghị, về phía Nhóm công tác số 3 có Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo, Nhóm trưởng; Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, thành viên Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Ban Chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an cùng một số đại diện đơn vị thuộc Bộ Công an.
Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh; Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo khai mạc Hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Long cảm ơn sự chuẩn bị rất chu đáo của Bộ Tư pháp, tạo điều kiện cho Nhóm công tác số 3 của Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo làm việc với Bộ Tư pháp về triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc 57 trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số của Bộ Tư pháp nói riêng. Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong 11 cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) và chuyên ngành trọng yếu; 116 CSDL chuyên ngành và các CSDL khác cần rà soát thì có rất nhiều CSDL của Bộ Tư pháp. Trong đó, CSDL hộ tịch có thể nói là một trong những CSDLQG xương sống, có ý nghĩa, bởi gắn chặt với với công dân, với con người.
Ông khẳng định, nếu thiếu CSDL này sẽ vô cùng khó khăn trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công liên quan đến công dân, doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác. Bên cạnh CSDL vô cùng quan trọng này, Bộ Tư pháp còn những CSDL khác, nhưng Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo đã xác định CSDL hộ tịch là khâu đột phá để giải quyết được những vấn đề then chốt liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các dịch vụ công. Với tinh thần nhận thức như vậy, Tổ Giúp việc đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, báo cáo Chính phủ để lựa chọn Bộ Tư pháp là nơi đầu tiên làm việc của Tổ Giúp việc để cùng rà soát, đánh giá tổng thể tất cả các CSDL của Bộ Tư pháp theo 4 nhóm.
Cụ thể gồm nhóm các CSDL đã xây dựng và đang vận hành; nhóm đang xây dựng; nhóm đã xây dựng nhưng chưa vận hành được; nhóm phải xây dựng trong thời gian tới. Trên cơ sở đó sẽ hoạch định kế hoạch chi tiết của Bộ Tư pháp với sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc.
Thay mặt Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh trân trọng cảm ơn Thượng tướng Nguyễn Văn Long và các đồng chí trong Bộ Công an thời gian vừa qua đã rất quan tâm, hỗ trợ tích cực cho Bộ Tư pháp trong hoàn thiện CSDL và những nội dung khác liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ ở Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, nguyên Bộ trưởng đã bàn giao và dặn dò một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp trong thời gian tới là phải tập trung quyết liệt vào công tác chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng, Bộ Tư pháp là Bộ đi đầu trong chuyển đổi số, điển hình là CSDL hộ tịch và nhiều CSDL chuyên ngành khác của Bộ Tư pháp được triển khai từ rất sớm. Mặc dù vậy, Bộ Tư pháp chưa về đích sớm, còn nhiều vấn đề cần phải rà soát lại. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp quyết tâm chuyển đổi số vì những lợi ích của chuyển đổi số đem lại mà quá trình thực hiện của Bộ Công an đã thể hiện rất rõ, nổi bật là CSDLQG về dân cư (ứng dụng VneID đã phát huy hiệu quả khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp...).
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu báo cáo tại Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Phạm Quang Hiếu cho biết, trong năm 2025, Bộ Tư pháp phải hoàn thành xây dựng 6 CSDL gồm: CSDL hộ tịch; CSDL trợ giúp pháp lý; CSDL thi hành án dân sự; CSDLQG về xử lý vi phạm hành chính; CSDL về biện pháp bảo đảm và CSDL công chứng.
Đối với các CSDL phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực của Bộ Tư pháp như CSDL quốc gia về pháp luật (dữ liệu văn bản QPPL, dữ liệu pháp điển…); CSDL theo dõi thi hành pháp luật; CSDL phổ biến, giáo dục pháp luật và hoà giải cơ sở; CSDL bồi thường nhà nước; CSDL quản lý thừa phát lại; CSDL quản lý đấu giá tài sản; CSDL quản lý các chức danh bổ trợ tư pháp (luật sư, trọng tài viên…) sẽ tiếp tục được rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai theo yêu cầu của Tổ Giúp việc.
Đối với 6 CSDL nêu trên, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát và phân loại các CSDL theo 4 nhóm. Kết quả: Đã xây dựng và sử dụng được: 2 CSDL, gồm CSDL hộ tịch điện tử và CSDL về biện pháp bảo đảm; Đang xây dựng: 04 CSDL, gồm CSDL trợ giúp pháp lý, CSDL thi hành án dân sự, CSDLQG về xử lý vi phạm hành chính và CSDL công chứng; Không có CSDL chưa xây dựng hoặc đã xây dựng nhưng không sử dụng được.
Các ý kiến tại Hội nghị đã làm rõ thực trạng của các CSDL của Bộ Tư pháp. Đáng chú ý, Bộ đã kịp thời điều chỉnh Hệ thống thông tin Đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và đã kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh của 34/34 tỉnh, TP. Đến hết ngày 20/7/2025, Bộ đã hoàn thành chuyển đổi 401 triệu dữ liệu sang Hệ thống thông tin Đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung… Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thường trực, các doanh nghiệp để khảo sát hiện trạng các CSDL, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai các CSDL còn lại; xây dựng Chiến lược dữ liệu của Bộ, ngành Tư pháp…
Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh yêu cầu cần tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt là mỗi CSDL phải đảm bảo được khung kiến trúc chung. Từ khung kiến trúc chung đó sẽ hình thành nền tảng dùng chung. Từ nền tảng dùng chung của các Bộ, ngành sẽ hình thành nền tảng dùng chung cho cả quốc gia. Về hạ tầng dữ liệu, Chính phủ đã giao phương án và phương án này Bộ Công an đủ năng lực đảm bảo được hạ tầng về dữ liệu cho Bộ, ngành Tư pháp. Những dữ liệu nào mà Chính phủ không quy định thì khuyến khhích Bộ, ngành Tư pháp thuê hạ tầng.
Sau Hội nghị này, Thượng tướng Nguyễn Văn Long đề nghị tiếp tục rà soát tổng thể một bước nữa toàn bộ các CSDL theo 4 nhóm đã được xác định. Đồng thời, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, cũng cần xác định những dữ liệu sẽ phải hình thành trong tương lai, không dừng lại ở những dữ liệu đang rà soát.
Bên cạnh đó, Tổ phó Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Tư pháp và các đơn vị đồng hành lưu ý khi xây dựng các CSDL liên quan đến con người, phải triệt để sử dụng kết quả từ CSDLQG về dân cư để đảm bảo đồng bộ, thống nhất về mặt dữ liệu và tránh lãng phí. Ngoài ra, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch cho từng CSDL, thực hiện sớm trong tháng 7 và thống nhất rà soát, đánh giá, đề xuất về kinh phí đảm bảo cho việc xây dựng vận hành các CSDL được thông suốt cũng như bảo đảm an ninh an toàn; huy động nguồn nhân lực để có thể sớm triển khai, hình thành được nền tảng cho từng CSDL. Đặc biệt, trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Long nhiều lần nhắc nhở các bên liên quan tập trung giải quyết, xây dựng CSDL hộ tịch, bảo đảm “chạy” thông suốt, phục vụ kịp thời các TTHC về hộ tịch.
Một số đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Thục Quyên