Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Băng Cốc, Thái Lan

01/07/2025
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Băng Cốc, Thái Lan
​Trong khuôn khổ “Hội nghị Bộ trưởng lần thứ ba về Chương trình đăng ký và thống kê hộ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương” tại Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 24-26/6/2025 theo lời mời của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Thanh Ngọc làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục Hành chính tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế), Cục Thống kê, Bộ Tài chính, Đại sứ Phạm Việt Hùng và đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã tham dự chuỗi các sự kiện chính, sự kiện bên lề tại Hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức với các mục tiêu: (1) Kỷ niệm những thành tựu của Thập kỷ Đăng ký và Thống kê hộ tịch châu Á và Thái Bình Dương giai đoạn 2015-2024; (2) Chính thức kéo dài Thập kỷ để phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; (3) Dựa trên cơ sở một cuộc đánh giá tổng quan sẽ được tiến hành trong năm 2025, xác định các lĩnh vực cần tiếp tục nỗ lực để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu nêu trong Tuyên bố Bộ trưởng về “Get every one in the picture” ở châu Á và Thái Bình Dương, Khung hành động khu vực về Đăng ký và Thống kê hộ tịch ở châu Á và Thái Bình Dương và Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Xây dựng tương lai bền vững hơn với Đăng ký và Thống kê hộ tịch toàn diện; (4) Xác định các hành động chính và tăng cường cam kết của Chính phủ và các đối tác phát triển nhằm đảm bảo hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch bao trùm và thích ứng như một nền tảng danh tính pháp lý cho tất cả mọi người.
 

 
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Thứ trưởng đã gặp gỡ và trao đổi ngắn với bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành, Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương và tặng quà lưu niệm của Việt Nam. Trong đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh về những thành tựu và thách thức trong quá trình Việt Nam thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch và cam kết của Việt Nam trong việc chung tay cùng khu vực xây dựng hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch bao trùm và thích ứng, hướng tới mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
 

 
Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 23/6/2025, Đoàn của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc làm Trưởng đoàn đã có buổi thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Thứ trưởng điểm qua các thông tin về cuộc “cách mạng về tổ chức”, sắp xếp tổ chức bộ máy trong nước đảm bảo sự đồng bộ về mặt thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn “chuyển mình của dân tộc”.
Trong bối cảnh này, Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đại sứ quán là đại diện tiếng nói của đồng bào Việt Nam tại Thái Lan, là cầu nối trong việc cung cấp thông tin, tiếp nhận hồ sơ của công dân và phối hợp giải quyết với các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Thứ trưởng thông tin, ngày 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (ngày 24/6/2025, Luật Quốc tịch đã được Quốc hội thông qua với 100% phiếu biểu quyết tán thành). Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam có những quy định mới mở rộng các trường hợp cho người gốc Việt Nam được trở lại/nhập quốc tịch Việt Nam, đồng thời được giữ quốc tịch nước ngoài. Thứ trưởng tin rằng nỗ lực này tạo động lực lớn cho đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp cho quê hương và góp phần xây dựng đất nước.
 

 
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Phạm Việt Hùng cũng bày tỏ sự vui mừng có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với Thứ trưởng và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp về một số vấn đề liên quan đến công tác hộ tịch, quốc tịch và một số công tác khác của Đại sứ quán.
 

 
Trong ngày 23/6/2025, đại diện Cục Hành chính tư pháp đã tham gia sự kiện bên lề của Hội nghị về “Đăng ký hộ tịch và hạ tầng công cộng số - DPI trong Diễn đàn chuyên đề về đăng ký hộ tịch” và trình bày tham luận về Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử và liên kết với hệ thống định danh tại Việt Nam” để làm nổi bật về mối liên hệ giữa đăng ký hộ tịch và hạ tầng công cộng số tại Việt Nam. 
Từ ngày 24/6/2025 đến ngày 26/6/2025, Đoàn Việt Nam đã tham dự chuỗi các Chương trình nghị sự trong các Phiên họp đại biểu cấp cao, Phiên họp Bộ trưởng với các chủ đề nghị sự về “Thành tựu và thách thức sau một thập kỷ nỗ lực thực hiện “Getting everyone in the picture”, “Xây dựng hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch bao trùm và thích ứng nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” và “Hướng tới tầm nhìn chung về đăng ký và thống kê hộ tịch bao trùm và thích ứng”.
Tại các phiên nghị sự này, các quốc gia sẽ đưa ra các bài phát biểu đại diện cho quốc gia mình về các chủ đề thảo luận nêu trên. Nội dung bài phát biểu của các quốc gia tập trung vào khái quát những thành tựu và thách thức sau một thập kỷ nỗ lực thực hiện Chương trình đăng ký và thống kê hộ tịch; cam kết đẩy mạnh xây dựng hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch có khả năng thích ứng, đặc biệt khi thế giới đã chứng kiến và trải qua sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19; tái khẳng định việc gia hạn Thập kỷ đăng ký và thống kê hộ tịch, hướng tới mọi người dân ở châu Á và Thái Bình Dương đều được hưởng lợi từ hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch bao trùm và thích ứng, giúp hiện thực hóa các quyền cơ bản của công dân, đồng thời hỗ trợ quản trị tốt, y tế và phát triển. 
Trong thời gian này, Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực vào Chương trình nghị sự số 2 với chủ đề “Thành tựu và thách thức sau một thập kỷ nỗ lực thực hiện “Get every one in the picture”. Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, với tỷ lệ đăng ký khai sinh trên 90% và khai tử trên 80% trong năm 2024. Kết quả này đạt được nhờ đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối dữ liệu hộ tịch với dữ liệu dân cư, cùng với sáng kiến “Bình dân học vụ số” hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức trong đăng ký hộ tịch cho nhóm yếu thế và yêu cầu cải cách thể chế. Trong thời gian tới, Việt Nam ưu tiên đổi mới quy trình đăng ký, sửa đổi Luật Hộ tịch, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch, tăng cường kết nối dữ liệu và nâng cao chất lượng thông tin về nguyên nhân tử vong...
Trong khuôn khổ các hoạt động, ngày 25/6/2025, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc đã tham gia phiên thảo luận của các Bộ trưởng - Ministerial Roundtable về chủ đề “Danh tính pháp lý - Chất xúc tác cho quản trị hiệu quả và dịch vụ bao trùm”. Cùng với đại diện từ các nước Fiji, Vanuatu, Pakistan, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc đã đại diện Việt Nam đưa ra thông điệp mạnh mẽ, quan trọng trong phiên thảo luận này; Việt Nam cũng tin tưởng và mong rằng các quốc gia phát triển, các nước đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện Chương trình đăng ký và thống kê hộ tịch sẽ tiếp tục tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành, hỗ trợ các quốc gia đang còn khó khăn để chúng ta sớm cùng nhau đạt được mục tiêu chung vì một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại, toàn diện và bao trùm của khu vực, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngày 26/6/2025, sau phần khai mạc, Hội nghị Bộ trưởng đã thông qua Phiên bầu cử đại biểu cho Phiên họp Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc đã vinh dự được Hội nghị tín nhiệm bầu vào vị trí Phó chủ tọa Phiên nghị sự cùng với đại diện Philippines và đại diện Vanuatua.
 

 
Kết thúc chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng lần thứ ba về đăng ký và thống kê hộ tịch tại Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia đã thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng về một thập kỷ hành động vì hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch bao trùm và thích ứng khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Tuyên bố chung tại Hội nghị nhấn mạnh rằng người dân cần được đặt ở vị trí trung tâm của hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch. Hệ thống này phải có khả năng chống chịu với các cuộc khủng hoảng, được số hóa và có thể tiếp cận được với cả những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đăng ký khai sinh và khai tử, việc đăng ký kết hôn cũng được xác định là một phần không thể thiếu nhằm bảo đảm quyền pháp lý cho mọi công dân. Tuyên bố cũng kêu gọi tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành và cơ quan - với điều kiện phải bảo đảm quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân - như một nền tảng thiết yếu để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện dịch vụ y tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cam kết chung này thể hiện rõ quyết tâm của các quốc gia trong khu vực nhằm xây dựng một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại, hiệu quả và công bằng, bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau./.
Cục Hành chính tư pháp