Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm

04/04/2025
Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm
Ngày 03/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).
Đề xuất kéo dài thời hiệu xử phạt lên 2 năm
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý XLVPHC Hồ Quang Huy nêu rõ sự cần thiết của việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Theo đó, về thời hiệu xử phạt VPHC, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi theo hướng quy định chung một thời hiệu xử phạt là “02 năm” thay vì phân loại “01 năm” và “02 năm” như hiện nay, đồng thời, cho phép thực hiện theo các luật khác nếu luật khác có quy định về thời hiệu xử phạt (nhưng có giới hạn tối đa không quá 05 năm) nhằm tăng cường hiệu quả, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý triệt để hành vi vi phạm trong bối cảnh VPHC diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. 
 
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý XLVPHC Hồ Quang Huy
 
Về mức tiền phạt tối đa, theo ông Huy, một số quy định cụ thể liên quan đến mức tiền phạt tối đa trong các lĩnh vực, thẩm quyền phạt tiền… trong Luật XLVPHC đã trở nên lạc hậu trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Sự gia tăng về thu nhập, giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm khiến nhiều quy định về thẩm quyền và mức phạt hiện tại không còn đủ tính răn đe, vụ việc dồn quá nhiều lên cấp trên do giới hạn về thẩm quyền phạt tiền của các chức danh ở cơ sở, gây khó khăn cho công tác xử phạt. Bên cạnh đó, một số quy định về thời hiệu xử phạt chưa bắt kịp với sự phát triển đa dạng, phức tạp của nền kinh tế số, nhiều vụ việc khi phát hiện hoặc chuyển sang cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC đã hết thời hiệu xử lý; việc quy định thẩm quyền trong XLVPHC quá cụ thể, dẫn đến thiếu tính linh hoạt, kìm hãm sự chủ động thích ứng, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
 
Bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm
Góp ý về thời hiệu xử phạt VPHC, nhiều ý kiến cho rằng, không nên kéo dài thời hiệu 2 năm. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này, theo bà Phan Minh Thuỷ (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cần có nguyên tắc để các luật chuyên ngành không kéo dài thời hiệu. 
Phân tích một số bất cập về thời hiệu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) Lê Thị Vân Anh dẫn chứng, trong những trường hợp vi phạm pháp luật, khi phát hiện không có dấu hiệu tội phạm thì mới chuyển xử phạt VPHC. Tuy nhiên, giai đoạn điều tra có thể rất dài hoặc cần trưng cầu giám định, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định tạm đình chỉ, việc tạm đình chỉ có thể kéo dài vài năm, đến lúc khôi phục lại thì thời hiệu 5 năm cũng không đủ. Từ đó, bà Vân Anh đề xuất, với trường hợp này, thời hiệu nên tính từ khi cơ quan tiến hành tố tụng trả hồ sơ về. 
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Đường (Phó Trưởng phòng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an) lại ủng hộ sửa đổi, bổ sung thời hiệu nâng lên 2 năm vì cho rằng như vậy mới có tác dụng tốt để răn đe phòng ngừa vi phạm.
Đối với quy định mức phạt tối đa, bà Hoàng Thị Song Mai (Trưởng phòng, TANDTC) nhận thấy, mức xử phạt trong dự thảo Luật cao quá, trong một số lĩnh vực cao hơn cả hình sự. Đồng tình, Trưởng Ban Nguyễn Quỳnh Liên (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) kiến nghị cân nhắc mức phạt để đảm bảo xử phạt là răn đe, phòng ngừa chung, chứ không phải gây ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống, hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. 
Trong khi đó, một số đại biểu góp ý bổ sung mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực. Cho rằng lĩnh vực phòng cháy là một trong những yếu tố bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhưng mức phạt hiện nay đang thấp hơn lĩnh vực chữa cháy (50 và 75 triệu đồng), Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Nguyễn Công Anh đề xuất nâng mức phạt tối đa trong lĩnh vực phòng cháy lên bằng lĩnh vực chữa cháy là 75 triệu đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường Ngô Thị Tuyết) đề nghị nâng mức phạt tối đa trong lĩnh vực khoáng sản lên 2 tỷ bởi tang vật vi phạm thường có giá trị, cần nâng mức phạt để bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, bổ sung mức phạt trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển, hải đảo.
Đồng tình rằng mức phạt tối đa của nhiều lĩnh vực xử phạt được ban hành từ năm 2012 chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay, ông Trần Ngọc Đường kiến nghị nâng mức phạt đối với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, giao thông đường bộ, hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường, an ninh trật tự. Ông cũng đề xuất bổ sung lĩnh vực dữ liệu, với mức phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng. 
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhưng phạm vi sửa đổi, bổ sung cần tập trung vào những vấn đề cấp bách trong tổ chức bộ máy và tổ chức thanh tra. Về sự phù hợp, khả thi, Thứ trưởng đánh giá, dự án Luật cơ bản phù hợp trong điều kiện hiện nay, song cân nhắc thêm một số điểm có thể tác động đến quyền con người, quyền công dân, Nghị quyết 27 về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Về tính hợp pháp, thống nhất, cần lưu ý tính thống nhất với các luật khác như Luật Thanh tra, mô hình chính quyền hai cấp, Luật Cạnh tranh… 
Thứ trưởng nhấn mạnh một lần nữa cần ưu tiên sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tổ chức bộ máy, cùng với các nội dung cấp bách, bảo đảm chuyển đổi số. quốc phòng an ninh. Đồng thời, dự thảo Luật cần cố gắng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm cũng như cố gắng phân cấp, phân quyền tối đa…

Hà Uyên - Báo Pháp luật Việt Nam