Ngày 16/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Đánh giá tình hình triển khai và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc chủ trì Hội thảo.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho biết, qua 02 năm thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977), các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và các địa phương đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, hàng năm Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Đề án. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành ở trung ương và địa phương cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án hoặc văn bản triển khai Đề án.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc điều hành Hội thảo.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Cục PBGDPL đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tổng hợp, rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp nhằm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động tìm hiểu, sử dụng pháp luật, bao gồm lĩnh vực PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, luật sư, công chứng, tư vấn pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính...
Đồng thời, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ khác nhau như: thông tin, truyền thông về vai trò, sự cần thiết của pháp luật đối với xã hội; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng hiểu biết, kỹ năng, nhu cầu tìm hiểu pháp luật, các hình thức, mô hình tiếp cận pháp luật của người dân; cung cấp, hướng dẫn các kiến thức pháp luật cho người dân bằng hình thức phù hợp, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ngoài ra, Đề án cũng góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; đặc biệt thực hiện mở rộng mạng lưới các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật... và tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng chí mong muốn các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về những mô hình, cách làm hay trong quá trình thực hiện Đề án để các địa phương cùng tham khảo, nhân rộng; phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án; nêu rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án trong thời gian tới. Trong đó, làm rõ một số nội dung như: giải pháp, lộ trình thực hiện hiệu quả Đề án cùng với mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới trong bối cảnh đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan tổ chức đã được giao trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện Đề án…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, đồng chí đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này như: nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động trong hệ thống chính trị về tầm quan trọng của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật về giám sát, phản biện xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường phối hợp với các cơ quan, nhà nước triển khai các nhiệm vụ; đổi mới phương thức giám sát, phản biện xã hội, tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phía địa phương, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tham mưu và triển khai nhiệm vụ theo Đề án 977. Đồng chí cho biết, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan. Các cơ quan này chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ đó, nhiệm vụ xây dựng và ban hành Thông cáo báo chí về các văn bản quy phạm pháp luật được triển khai cụ thể.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau.
Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cũng thực hiện đăng tải Thông cáo trên Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh và Trang thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời xây dựng mô hình hệ thống nhóm “Zalo phổ biến, giáo dục pháp luật” trên toàn tỉnh. Cách làm này không chỉ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy ý thức pháp luật trong cộng đồng. Thông qua đó, pháp luật không chỉ đến với người dân ở các khu vực trung tâm mà còn tận ngõ, tận nhà, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với xu hướng công nghệ và chuyển đổi số hiện nay.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả của bộ, ngành, địa phương đạt được trong việc triển khai Đề án 977. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Thứ trưởng đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và từng địa phương nghiên cứu giải pháp tổng thể, huy động sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị nói chung và địa phương nói riêng, trong đó lưu ý bám sát 5 nhóm nhiệm vụ và 24 hoạt động của Đề án.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh kết luận Hội thảo.
Trước yêu cầu đổi mới tư duy phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thứ trưởng nhấn mạnh, chính quyền các cấp, nòng cốt là ngành Tư pháp, Sở Tư pháp, phải tạo dựng các điều kiện cần thiết về mặt thông tin pháp lý, PBGDPL để người dân chủ động tiếp cận và nâng cao nhận thức về pháp luật; từ đó chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án, đáp ứng yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Thứ trưởng cũng mong muốn Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí kinh phí triển khai hoạt động Đề án; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Anh Thư - Trung tâm Thông tin