Hội thảo triển khai Luật Trọng tài thương mại và Nghị định số 63/2011/NĐ-CP

30/08/2011
Hội thảo triển khai Luật Trọng tài thương mại và Nghị định số 63/2011/NĐ-CP
Ngày 28/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại. Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ thi hành pháp luật về hội nhập kinh tế do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sáng nay (30/8), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo triển khai Luật Trọng tài thương mại và Nghị định số 63/2011/NĐ-CP của Chính phủ nhằm cung cấp thông tin; trao đổi, thảo luận về một số nội dung cơ bản của Luật Trọng tài thương mại, Nghị định hướng dẫn thi hành và biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài thương mại ở Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài Chính, Tòa án nhân dân tối cao; Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư, Hội luật gia các tỉnh thành phố phía Bắc; Trung tâm trọng tài, Văn phòng luật sư, Công ty luật, cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa kinh tế, phòng ban pháp chế một số doanh nghiệp. Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam và bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp đồng chủ trì Hội thảo.

Mở đầu Hội thảo, tham luận của bà Nguyễn Thị Minh đã nêu bật được thực trạng về tổ chức và hoạt động trọng tài ở Việt Nam và định hướng phát triển trong thời gian tới. Thực tiễn thương mại quốc tế cho thấy hình thức giải quyết tranh chấp thay thế ở các nước trên thế giới rất phát triển. Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó, bên thứ 3 (trọng tài viên - do các bên lựa chọn) đưa ra một quyết định sau khi các bên tranh chấp đã có cơ hội công bằng để trình bày các vấn đề liên quan đến tranh chấp, quyết định của trọng tài viên có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên. Hiện nay cả nước có 6 Trung tâm Trọng tài thương mại với tổng số 207 trọng tài viên. Số lượng vụ việc giải quyết tranh chấp còn rất khiêm tốn, từ năm 2004 đến năm 2009, các Trung tâm Trọng tài giải quyết được 283 vụ. Hoạt động trọng tài ở Việt Nam có thể nói chủ yếu tập trung vào Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Việc giải quyết các tranh chấp thương mại và dân sự ở Việt Nam vẫn tập trung vào Tòa án, điều này ngược lại với các nước có nền kinh tế phát triển như Anh, Úc, Mỹ, Singapore. Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động trọng tài là do chưa có sự gia tăng đột biến về số lượng cũng như chất lượng của các Trung tâm trọng tài và đội ngũ trọng tài viên; hiểu biết của các doanh nghiệp, thương nhân, cũng như người dân về vai trò của trọng tài thương mại còn chưa đầy đủ; năng lực của các Trung tâm Trọng tài thương mại còn chưa cao, chưa đồng đều; hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài thương mại và các văn bản pháp luật liên quan; chưa có sự hỗ trợ đương nhiên cho hoạt động trọng tài từ phía tòa án.

Để phát triển dịch vụ trọng tài thương mại ở Việt Nam, bài tham luận cũng đưa ra một số biện pháp, trước hết cần triển khai tốt việc thi hành Luật Trọng tài thương mại. Tăng cường giám sát của Quốc hội đối với việc hủy quyết định trọng tài, công nhận và thi hành phán quyết trọng tài. Nhà nước phải hỗ trợ cho việc phát triển hoạt động trọng tài, trong việc đào tạo nghề, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho trọng tài viên. Cần tuyên truyền, phổ biến về vai trò và bản chất của hoạt động trọng tài, về pháp luật trọng tài thương mại nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, doanh nhân, các cơ quan nhà nước có liên quan và của xã hội về vai trò của trọng tài thương mại. Chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là cơ hội đồng thời cũng là thách thức lớn đối với các trọng tài viên đòi hỏi họ phải tự mình nỗ lực, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, trình độ ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ trọng tài trong xã hội. Cần thành lập Hiệp hội trọng tài để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trọng tài viên. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trọng tài thương mại trong thời gian tới cần được sự quan tâm, phối hợp thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Hội thảo còn được nghe nhiều tham luận sâu sắc và tâm huyết cũng như các ý kiến trao đổi, đóng góp của các đại biểu tham dự: Các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Luật Trọng tài thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành của ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam; Thực tiễn áp dụng Luật Trọng tài thương mại – Những thuận lợi và khó khăn của GS.TS Nguyễn Thị Mơ – Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam; Tòa án trong việc hỗ trợ hoạt động trọng tài thương mại của Viện nghiên cứu khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao; Những nội dung cơ bản của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại của Vụ Bổ trợ tư pháp; Triển khai Luật Trọng tài thương mại – Kinh nghiệm và kết quả ban đầu của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam; Kỹ năng hoạt động trọng tài của Thạc sỹ Vũ Ánh Dương – Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong thời gian 01 ngày.

T.N