Ngày 11/12, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) về nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố. Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Các Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Mai Lương Khôi; Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái, lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Tư pháp và Cục Thi hành dân sự TP. Hồ Chí Minh cùng dự.
Công tác phối hợp giữa các đơn vị phải ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đánh giá, thời gian qua TPHCM đã đạt nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự phát triển bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng, đi cùng với khối lượng công việc tăng, đa dạng, phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh những vi phạm tranh chấp, công tác phối hợp giữa các đơn vị phải ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu định hướng buổi làm việc
Vì vậy, mục tiêu của buổi làm việc là nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo với công tác tư pháp, thi hành án dân sự trên địa bàn TPHCM. Trong đó, tập trung một số lĩnh vực quan trọng như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thi hành án dân sự, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thi hành án, công tác hành chính liên quan đến lĩnh vực tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Tại buổi làm việc, đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho biết, trong năm 2024, tuy khối lượng công việc ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp, các cơ quan Tư pháp TPHCM tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, tham mưu có hiệu quả cho các cấp chính quyền của TP trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách thể chế. Trong đó, tập trung xây dựng thể chế để triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, Nghị định 84/2024/NĐ-CP, Nghị quyết số 27-NQ/TW, các Luật gắn liền với sự phát triển của TP, xây dựng nhiều chính sách đặc thù chăm lo các đối tượng yếu thế mang nghĩa nhân văn và xã hội to lớn; đồng thời thể hiện vai trò tích cực và trách nhiệm trong tham gia ý kiến pháp lý trong giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Nâng cao vai trò của cơ quan tham mưu về thể chế
Đến nay, các cơ quan Tư pháp TPHCM đã cơ bản hoàn thành tốt chương trình công tác năm và các nhiệm vụ TP giao, đóng góp tích cực trong các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của TP nói chung và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ TP khóa XI nói riêng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải báo cáo tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, TP tập trung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai các Luật mới có nội dung giao địa phương quy định chi tiết, nhất là ban hành các văn bản triển khai 3 Luật có hiệu lực từ 1/8/2024 (Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản). Đến nay, HĐND và UBND TP đã ban hành đầy đủ văn bản được giao chính quyền phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 3 Luật. Ngoài ra, TP ban hành nhiều chính sách đặc thù thu hút nguồn lực, thể hiện sự chăm lo của TP đối với nhiều đối tượng khác nhau. TP đã hoàn thành hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp của HĐND và UBND các cấp tại TP.
Các cơ quan Tư pháp TP tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan tham mưu về thể chế của TP, nhất trong việc triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15; Nghị định số 84/2024/NĐ-CP và các Luật có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp cũng như sự phát triển của TP; đảm bảo kỹ cương, kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật theo Quy định 178-QĐ/TW.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật năm 2025 trên địa bàn TP, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở năm 2025, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Tiếp tục thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP, khai thác và mở rộng cơ sở dữ liệu hộ tịch; tiếp tục thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho rằng, TPHCM là đơn vị có số việc và số tiền thi hành án hàng năm đứng đầu cả nước, là địa phương đứng đầu cả nước về số vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế được đưa ra truy tố, xét xử, tổ chức thi hành án, trong đó có những “đại án” thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Trong năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) TPHCM đã thi hành xong trên 58.000 việc, tương ứng với gần 35.000 tỷ đồng, tức là khoảng gần 30% lượng tiền thi hành xong của toàn Hệ thống. Kết quả công tác THADS, công tác thu hồi tài sản của cơ quan THADS trên địa bàn TPHCM đã trực tiếp góp phần tích cực đến kết quả thi hành án chung của toàn quốc. Nhìn chung, các cơ quan THADS TPHCM đã kịp thời quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành ủy, UBND TP liên quan đến công tác THADS, thi hành án hành chính; tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác.
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, từng bước được đổi mới với nhiều cách làm hay hiệu quả. Các giải pháp mà Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS áp dụng đối với các cơ quan THADS TPHCM đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong thúc đẩy hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ hoạt động THADS, thi hành án hành chính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trong buổi làm việc hai bên đã ký kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác Tư pháp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND TP. HCM
Ưu tiên, tập trung hơn nữa nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Cám ơn Bộ Tư pháp trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ đồng hành với Thành phố về công tác tư pháp, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, trong thành công chung của Thành phố có sự đóng góp rất lớn của Sở Tư pháp và Cục Thi hành án thành phố. Đồng chí Phan Văn Mãi tin tưởng rằng với việc ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và Thành phố thì công tác này sẽ được triển khai tốt hơn trên địa bàn Thành phố. Đồng chí cũng đề nghị, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn cho ngành tư pháp Thành phố, trong đó hỗ trợ việc đào tạo nhân lực, công tác giải quyết tranh chấp quốc tế, công tác thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các yêu cầu phát triển của thành phố, đồng thời thí điểm kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch điện tử của người dân Thành phố.
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của TPHCM nói chung và công tác tư pháp và THADS Thành phố nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, những kết quả này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thành phố và của Bộ, ngành Tư pháp. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp và các Ban, Sở, ngành của Thành phố quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể sau: Ưu tiên, tập trung hơn nữa nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, xử lý văn bản bảo đảm bám sát các chủ trương định hướng của Đảng và các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan trong việc phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp quốc tế; phát huy hơn nữa vai trò của Sở Tư pháp trong công tác giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh ở địa phương; Chuẩn bị tốt nguồn lực và các điều kiện cần thiết để triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhất là các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cũng đề nghị Thành phố tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng các dịch vụ công; chỉ đạo các ban, sở, ngành tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Tư pháp trong việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin dữ liệu và xử lý vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực tư pháp.Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng;
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, THAHC trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các sở, ngành ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn để tổ chức tốt công tác này, hoàn thành các chỉ tiêu được giao, đặc biệt là các vụ án liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, tín dụng ngân hàng, cưỡng chế huy động lực lượng giao tài sản nhà, đất; tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho công tác thi hành án dân sự, ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng kho vật chứng cho các Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, tiếp tục tạo điều kiện cho các đơn vị hành nghề luật sư, công chứng, tạo môi trường pháp lý lành mạnh trong việc sử dụng các dịch vụ pháp lý, làm sao để đội ngũ cán bộ làm tốt chức trách của mình.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trân trọng và cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp, chia sẻ của Bộ Tư pháp suốt thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh từng được xem là vùng năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm của các thế hệ trước và cũng từ đây Trung ương đã rút ra nhiều bài học tổng kết để nhân rộng, thậm chí có những thứ thử nghiệm từ đây thành quy chế, thành pháp luật. Đây cũng là địa phương tiếp cận sớm với nền kinh tế thị trường, nơi mà ở đó, người dân cũng được tiếp nhận nhiều thông tin hơn cả.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng nhất trí với 07 nhóm nội dung Chương trình hợp tác để hai bên tìm phương cách tốt nhất giải quyết những vấn đề có lợi cho dân, cho nước. trong đó có việc đồng ý thành lập Ban chỉ đạo thi hành án dân sự để thuận lợi trong việc chỉ đạo, lãnh đạo cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.
Tin: Nhóm Phóng viên, ảnh Cẩm Tú