Ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì cuộc họp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và các đơn vị có liên quan về tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe đã báo cáo về tình hình kiện toàn Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tình hình triển khai nhiệm vụ rà soát, xử lý kết quả rà soát được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ và tình hình nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án “Ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy phát biểu tại cuộc họp.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe báo cáo tại cuộc họp.
Theo đó, trên cơ sở nội dung nhiệm vụ được giao và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo cần tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, ký Quyết định; Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo về tình hình xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, chỉ đạo.
Đồng thời, dựa trên báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, Thường trực Ban Chỉ đạo cần tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu các kết quả rà soát các vướng mắc, bất cập đối với các luật như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Thương mại năm 2005, Luật Xây dựng năm 2014, ... và các văn bản khác (nếu có), để báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến tại Phiên họp tiếp theo; Đôn đốc, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để tổ chức triển khai, thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo; Đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ chuẩn bị các nội dung, tài liệu để báo cáo Ban Chỉ đạo theo các nhiệm vụ đã được giao tại Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải có sản phẩm cụ thể và tập trung vào các nhóm vấn đề có tính cấp bách. Thứ trưởng nhất trí với Đề án “Ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật” , tuy nhiên cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng bộ dữ liệu chung theo lĩnh vực nhằm hướng dẫn áp dụng pháp luật cũng như trả lời phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp,...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (bên phải) phát biểu kết luận cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo cần sớm hoàn thiện Báo cáo về tình hình xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất Ban Chỉ đạo giao Bộ Nội vụ rà soát Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) để đảm bảo hướng tới vận hành bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Đối với Đề án “Ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng đề nghị xem xét lại tên gọi của Đề án nhằm đảm bảo tính toàn diện, từ đó trình xin ý kiến của Ban Chỉ đạo trong phiên họp tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đồng ý với chủ trương giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ giải thể Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (được thành lập theo Quyết định 236/QĐ-TTg) theo quy định, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác để tránh sự trùng lắp, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác rà soát văn bản./.
Thu Nga - Trung tâm Thông tin