Ngày 24/10, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm việc với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật về kết quả công tác 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 03 tháng cuối năm 2024.
Báo cáo tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết, về đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền trình UBTVQH bổ sung vào Chương trình năm 2025. Về xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập. Hiện nay, sau cuộc họp Tổ soạn thảo trong Bộ và Tổ biên tập lần 1, Vụ đang tổng hợp đề xuất của các đơn vị thuộc Bộ, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu để báo cáo Lãnh đạo Bộ tổ chức họp Ban soạn thảo lần 1.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức.
Cùng với đó, trong 9 tháng đầu năm, Vụ đã chuẩn bị văn bản cho ý kiến về áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; trả lời hướng dẫn nghiệp vụ; cử công chức của Vụ làm báo cáo viên tập huấn nghiệp vụ theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương. Chủ trì thẩm định 02 đề nghị xây dựng văn bản, 18 dự án, dự thảo; tham gia thẩm định 29 văn bản; 141 dự án, dự thảo và góp ý nhiều văn bản.
Về theo dõi, đôn đốc tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, trong 9 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp đã có 11 báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác ban hành văn bản quy định chi tiết; thường xuyên có văn bản đôn đốc; tổ chức làm việc với các bộ; tham mưu cho Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với các bộ đôn đốc, chỉ đạo. Tính đến nay, tổng số văn bản chậm, chưa kịp ban hành là 13 văn bản và 131 văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ 01/01/2025 và các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ 7.
Các đại biểu trao đổi, cho ý kiến tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Vụ và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ trao đổi, kiến nghị các nội dung về chuẩn bị các nội dung cho Đại hội Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp; việc triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030; triển khai thực hiện chỉ số Cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo; công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; công tác cán bộ và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng nêu rõ, đối với việc xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), Thứ trưởng đề nghị tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó quy đinh rõ quy trình, thủ tục, thẩm quyền thực hiện, đặc biệt cần bám sát định hướng Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và quan điểm, chủ trương, tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong công tác xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, Vụ cần tiếp tục quan tâm, tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thủ đô, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Thứ trưởng đề nghị Vụ đôn đốc, lập đề nghị của Chính phủ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026; điều chỉnh Chương trình năm 2025; thực hiện thủ tục bổ sung các dự án luật, pháp lệnh trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Bộ. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là văn bản chậm, nợ ban hành. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kết luận số 19- KL/TW về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV.
Trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Vụ cần mạnh dạn đề xuất việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; Đồng thời, cần có sự điều hành, phân công công việc linh hoạt giữa các phòng thuộc Vụ và giữa các công chức trong phòng; rà soát lại nhiệm vụ, chức năng các phòng phù hợp, cân đối để thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục các khó khăn trong bối cảnh có nhiều biến động về nhân sự…
Thu Nga