Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Mai Lương Khôi tại buổi làm việc với Cục Công nghệ thông tin về kết quả công tác Quý III và nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2024 vào ngày 03/10.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trên cơ sở 80 nhiệm vụ được giao năm 2024, trong Quý III, Cục Công nghệ thông tin đã tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số
Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin đã tổ chức thành công 02 Lớp bồi dưỡng (Lớp bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức Bộ, ngành Tư pháp và Lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn dữ liệu trong chuyển đổi số). Đồng thời tiếp tục thực hiện các công tác chuẩn bị tổ chức Lớp bồi dưỡng triển khai chuyển đổi số ngành Tư pháp và vai trò người đứng đầu, ứng dụng công nghệ AI phục vụ chuyển đổi số ngành Tư pháp và các lớp tập huấn nghiệp vụ về hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số khác. Cục cũng thực hiện thủ tục trình lãnh đạo Bộ kiện toàn Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Tư pháp; chuẩn bị nội dung tham gia các phiên họp, hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Cục trưởng Phạm Quang Hiếu phát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số, Cục Công nghệ thông tin đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và xin ý kiến các đơn vị, hoàn thiện dự thảo Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số trình Lãnh đạo Bộ cho ý kiến ban hành.
Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu số
Về việc triển khai 02 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí", Cục Công nghệ thông tin đã tập huấn, hướng dẫn, giải đáp các khó khăn vướng mắc cho các địa phương thực hiện kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Phần mềm hộ tịch; đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ, các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương thực hiện kết nối kỹ thuật và triển khai dịch vụ.
Phó Cục trưởng Phạm Đức Dụ phát biểu tại buổi làm việc.
Đối với nhiệm vụ triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên nền tảng VneID, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và các nội dung mới trong Quy trình Thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VneID, Cục đã thực hiện điều chỉnh một số tính năng trên phần mềm cũng như các dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu để đảm bảo triển khai trên toàn quốc từ tháng 10/2024. Cục cũng hướng dẫn, hỗ trợ 61 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm thử quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID; hỗ trợ địa phương trong quá trình thử nghiệm, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Phần mềm lý lịch tư pháp dùng chung; phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thực hiện đợt cao điểm hỗ trợ các địa phương thực hiện kiểm thử toàn trình việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID để triển khai từ ngày 02/10/2024.
Đối với việc liên thông nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Đăng ký kết hôn, Cục Công nghệ thông tin đã triển khai điều chỉnh các dịch vụ liên thông dữ liệu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn trên Trục tích hợp chia sẻ dữ liệu ngành Tư pháp; phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tổ chức tập huấn kết nối cho các địa phương theo hình thức trực tuyến, sẵn sàng triển khai toàn quốc.
Các công tác: xây dựng, triển khai văn bản, đề án, kế hoạch, dự án; triển khai Dự án "Đầu tư hạ tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp"; thông tin điện tử; hướng dẫn, thẩm định các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát triển, vận hành hạ tầng số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng... đều đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch.
Thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số Bộ, ngành Tư pháp
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, trong Quý IV năm 2024, Cục Công nghệ thông tin sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của Bộ, Ngành Tư pháp năm 2025.
Tham mưu xây dựng dự thảo Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số; tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao của Đề án 06; triển khai, quản lý, vận hành các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin.
Quản lý, vận hành, duy trì hoạt động thường xuyên các trang thiết bị, giải pháp tại Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với các Hệ thống thông tin tại Trung tâm dữ liệu điện tử….
Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tiến độ và kinh phí thực hiện các Đề án được giao và kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Trong Quý IV, các đại biểu đề nghị Cục Công nghệ thông tin tiếp tục rà soát, kịp thời quán triệt các văn bản của Đảng, các nghị quyết của Ban cán sự Đảng; bám sát và triển khai các nhiệm vụ được giao của Đề án 06, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ như: tham mưu ban hành Đề án chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp; phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Trung tâm Lý lịch tư pháp và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để kết nối thông tin, phục vụ triển khai Luật Căn cước; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành Tư pháp; nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống chỉ đạo điều hành…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của Cục Công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ công tác; qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ trưởng cho biết, các thách thức, khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn nhiều, cùng với đó là yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số ngày càng cao. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Cục Công nghệ thông tin tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: phối hợp với Bộ Công an, đảm bảo về mặt kỹ thuật kết nối khi thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID, dự báo được tình hình, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ khi có khó khăn, vướng mắc.
Nâng cao vai trò hướng dẫn, thẩm định các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trong đó chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ về mặt chuyên môn công nghệ thông tin, phối hợp với các đơn vị có dự án để tư vấn về thời hạn tiến độ, chuyên môn, kỹ thuật.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi kết luận buổi làm việc.
Phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch – Tài chính triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành, phục vụ công tác quản lý điều hành tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Cục tập trung hoàn thiện Đề án chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp và dự thảo Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số; khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị cho Hội nghị Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Tư pháp mở rộng; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng. Về việc triển khai dự án đầu tư công giai đoạn 2026-2031, Thứ trưởng đề nghị Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính tổ chức các buổi hướng dẫn riêng cho các đơn vị có dự án công nghệ thông tin.
Trung tâm Thông tin