Rà soát quy định của Luật Lý lịch tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật

29/07/2024
Rà soát quy định của Luật Lý lịch tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật
Chiều 29/7, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm việc với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các đơn vị liên quan về kết quả rà soát các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các quy phạm pháp luật có liên quan.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Đỗ Thị Thúy Lan cho biết, Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) được ban hành từ năm 2009, đến nay đã gần được 15 năm, một số quy định không đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014... Qua việc thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan đến Luật LLTP cho thấy, hiện nay có 91 văn bản QPPL và một số văn bản khác có liên quan đến LLTP.
 

Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Đỗ Thị Thúy Lan báo cáo tại cuộc họp.
 
Bên cạnh đó, từ quản lý thực tiễn đã đặt ra vấn đề "có cần quản lý thông tin lý lịch tư pháp của các đối tượng được quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 hay không"? Để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật LLTP và Luật THAHS cũng như đảm bảo sự thống nhất về biểu mẫu cung cấp thông tin LLTP của Tòa án, cần nghiên cứu điều chỉnh quy định về nguồn thông tin LLTP và nội dung của trích lục bản án hình sự do Tòa án cung cấp.
Đồng thời, để đảm bảo thống nhất, phù hợp với Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật thi hành án hình sự năm 2010 và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cần thực hiện nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh quy định về cơ cấu, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân; quy định về nguồn thông tin LLTP do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh và Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cung cấp; quy định về nguồn thông tin LLTP và cơ quan cung cấp thông tin LLTP trong quân đội để đảm bảo thống nhất với Luật THAHS cũng như phù hợp với thực tiễn; điều chỉnh nguồn thông tin LLTP do cơ quan thi hành án dân sự cung cấp…
Phó Giám đốc Trung tâm LLTP cũng cho biết kết quả rà soát về nhiệm vụ của Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp trong xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP; trao đổi, kết nối giữa Cơ sở dữ liệu LLTP với các cơ sở dữ liệu khác; về cấp Phiếu LLTP; về nhiệm vụ theo dõi, cập nhật thông tin về đương nhiên được xóa án tích; về Cơ quan quản lý nhà nước về LLTP...
 

Trưởng Phòng Pháp luật hình sự, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Thị Tố Nga cho ý kiến tại cuộc họp.
 

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan cho ý kiến tại cuộc họp.
 
Cho ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho rằng, việc rà soát các quy định của Luật LLTP và các quy phạm pháp luật có liên quan cần tập trung vào bước xây dựng kế hoạch cụ thể, bài bản để bám sát triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng một danh mục các văn bản có quy định về LLTP cần được rà soát để phối hợp triển khai với các bộ, ngành có liên quan.
Đồng chí Hoàng Xuân Hoan cũng cho ý kiến về mặt nội dung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn; đảm bảo quyền của người dân liên quan đến bí mật nhà nước; về kết quả rà soát, cần bổ sung thêm Công điện số 644/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp...
 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận cuộc họp.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia cần tiếp thu tối đa các ý kiến tại cuộc họp của các đơn vị có liên quan, từ đó tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo về việc rà soát các quy định của Luật LLTP và các quy phạm pháp luật có liên quan. Về kết quả rà soát, Trung tâm cần có danh mục các văn bản cụ thể có quy định về LLTP, nêu rõ những quy định nào cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, từ đó có đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn của Luật LLTP với các quy phạm pháp luật có liên quan./.
 
Thu Nga