Hội đồng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương kiểm tra tại Quảng Trị

02/07/2024
Hội đồng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương kiểm tra tại Quảng Trị
Ngày 1/7, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng ở Trung ương do đồng chí Trần Tiến Dũng, ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại Quảng Trị. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng với đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị chủ trì buổi làm việc.
Theo Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Quảng Trị, thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng (TTLT số 10), các Kế hoạch của Hội đồng Trung ương, Hội đồng ở địa phương bám sát các mục tiêu, kế hoạch hoạt động của hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương, nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phối hợp.
Người tiến hành tố tụng thực hiện việc giải thích cho các đối tượng là người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác thuộc diện được TGPL về quyền được TGPL, đồng thời hướng dẫn người có yêu cầu hoặc thông báo về TGPL đến Trung tâm TGPL để cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng. Việc giải thích quyền được TGPL được lập Biên bản giải thích theo mẫu quy định. Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL khi tham gia hoạt động tố tụng (thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại và các đương sự, người có quyền lợi liên quan) luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiếp xúc với người được TGPL trong các quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng như trong việc tiếp cận hồ sơ vụ án, sao chụp tài liệu…; việc thông báo về thời gian, địa điểm tham gia các hoạt động trong quá trình giải quyết vụ án đến người thực hiện TGPL được kịp thời, đúng thời gian quy định. Thực hiện công tác phối hợp trong việc lắp đặt, thay thế bảng thông tin, tờ thông tin, hộp tin TGPL tại các đơn vị kịp thời. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm TGPL đã thực hiện TGPL cho 667 vụ việc cho 667 người được TGPL.100% trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng.
 
Đồng chí Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu

Ngoài ra, tại Quảng Trị, chất lượng các vụ việc TGPL ngày càng nâng cao, nhận được sự phản hồi tích cực của người được TGPL. Sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý trong nhiều vụ việc tham gia tố tụng là các đối tượng đặc thù như: trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật..., đã thể hiện được kinh nghiệm và bản lĩnh của trợ giúp viên pháp lý trong việc đảm bảo giải quyết các vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Các vụ việc thực hiện đều đạt chất lượng trở lên và có 98 vụ việc tham gia tố tụng thành công.
Ông Nguyễn Đăng Quang cho biết Quảng Trị hiện là một trong những địa phương có tỉ lệ người yếu thế tương đối cao. Do đó, để hoạt động TGPL hiệu quả thì cả hệ thống chính trị phải tham gia và triển khai bài bản. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như vấn đề TGPL cho công dân của Lào đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, việc tiếp cận TGPL của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn,…
Ngoài ra, vấn đề bảo vệ vật chứng, kho vật chứng chưa được quan tâm đúng mức; tồn tại hôn nhân có yếu tố nước ngoài, hôn nhân không có hôn ước tập trung chủ yếu các xã biên giới...
 
Hội đồng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng Trung ương kiểm tra tại Quảng Trị

“Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động TGPL cho người yếu thế. Đồng thời chỉ đạo HĐND, UBND cùng với Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh có giải pháp đưa hoạt động TGPL đi vào chiều sâu và hoạt động hiệu quả hơn. Tôi cũng mong muốn các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao để công tác TGPL tại địa phương được thực hiện tốt hơn nữa”. Ông Đăng Quang chia sẻ.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo, đổi mới của tỉnh Quảng Trị trong khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn trung bình của cả nước. Công tác TGPL nói riêng và tư pháp của tỉnh nói chung có đóng góp cho sự phát triển chung. Ở một khía cạnh nào đó, TGPL là một bộ phận của chính sách an sinh xã hội. Hiện nay, cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý cho hoạt động này khá đầy đủ. Nội dung TGPL đã được đưa vào một số Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các thành viên trong Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa, với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với đội ngũ người thực hiện TGPL.
Ngoài ra, Thứ trưởng mong rằng việc TGPL không chỉ trong lĩnh vực hình sự mà còn các lĩnh vực khác như dân sự, lao động, hành chính cũng cần được quan tâm nếu làm tốt thì sự việc sẽ không phức tạp… Đồng thời, đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đặc thù để hoạt động này tiếp tục phát triển. Các kiến nghị về thể chế Đoàn ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu. Các đề xuất khác của tỉnh sẽ được Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng Trung ương rà soát, hướng dẫn trong thời gian tới.
Trong chuyến công tác, Thứ trưởng và đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Lê Tám Bảy