Sáng 31/5, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định về công tác tư pháp và thi hành án dân sự.
Nhiều kết quả tích cực
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Văn Phi - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh này.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng văn bản, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ở Bình Định đã từng bước đi vào nề nếp. Chẳng hạn, số lượng văn bản được tỉnh ban hành lớn (năm 2023, tỉnh ban hành 122 văn bản); các văn bản trình HĐND, UBND đều được Sở Tư pháp thẩm định bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với thực tiễn của địa phương (năm 2023, thẩm định 126 dự thảo văn bản). Thời gian qua, tỉnh chưa có văn bản nào ban hành được kết luận có nội dung trái pháp luật.
Ông Đoàn Văn Phi - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Bình Định được thực hiện thực chất, gắn với việc triển khai các văn bản, đề án mới được ban hành và liên quan thiết thực đời sống của người dân; tích cực ứng dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến sử dụng công nghệ thông tin, truyền hình, truyền thanh, mạng xã hội…; công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả tốt với số vụ việc hòa giải thành trong năm 2023 là 1.190/1.449 vụ việc; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp và trợ giúp pháp lý ở Bình Định tiếp tục được tăng cường. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức đấu giá 2.682 cuộc, đấu giá thành 2.031 cuộc, tổng giá bán tài sản gần 2.360 tỷ đồng; số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý năm 2023 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Định cao hơn năm trước, tăng 56% so với năm 2022.
Về công tác thi hành án dân sự, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định cho biết, năm 2023, các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh đã thi hành xong 8.083 việc, tương ứng với trên 659 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 51,71%, tăng 3,12% so với năm 2022, vượt 5,91% chỉ tiêu được giao). Trong 7 tháng đầu năm 2024 đã thi hành xong 4.046 việc, tương ứng với gần 416 tỷ đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư pháp.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ kết quả đã đạt được trong công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bình Định; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, phối hợp thực hiện. Đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư pháp và thi hành án dân sự trong thời gian tới. Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng đã giải đáp một số kiến nghị của các đại biểu.
Áp dụng linh hoạt chính sách, tạo điều kiện thu hút đầu tư
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả công tác tư pháp, thi hành án dân sự mà tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian qua đã góp phần hiệu quả vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cảm ơn sự chỉ đạo, điều hành sát sao, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp trách nhiệm, kịp thời, hiệu quả của các sở, ban, ngành trong tỉnh đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận các kiến nghị của đại diện lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Bình Định. Trên cơ sở đó, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác tư pháp, thi hành án dân sự trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tham mưu cho lãnh đạo tỉnh khắc phục các khó khăn, hạn chế về nguồn lực (cả cơ sở vật chất, kinh phí và nhất là con người); đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả một số nội dung.
Cụ thể, thứ nhất, tiếp tục quan tâm tới công tác thể chế, bám sát chương trình hành động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương về phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa trong giai đoạn mới để triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật tại địa phương, nghiên cứu xây dựng thể chế phù hợp với thực tiễn phát triển, đặc thù của địa phương tạo điều kiện thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển hạ tầng, giao thông… qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát huy tiềm năng kinh tế biển của địa phương.
Bên cạnh đó, cần chủ động nghiên cứu, tổ chức thi hành các Luật, Nghị quyết dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, đặc biệt là Luật sửa đổi hiệu lực của các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng đang được trình bổ sung; chuẩn bị kỹ càng nguồn lực để xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, tránh phát sinh hậu quả do việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành gây ra.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi giải đáp một số kiến nghị của đại biểu.
Thứ ba, Sở Tư pháp cần chủ động, kịp thời tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, các bộ, ngành, nhất là những đạo luật mới, quan trọng được thông qua. Đồng thời, thường xuyên báo cáo tại các cuộc họp giao ban về những nội dung địa phương cần phải ban hành văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.
Thứ tư, UBND tỉnh Bình Định có thể nghiên cứu sơ đồ hóa, quy trình hóa các công việc khó phức tạp để các cơ quan thực hiện thống nhất.
Thứ năm, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ triển khai chuyển đối số, gắn với triển khai hiệu quả Đề án số 06; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tiến tới sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho công việc, đặc biệt đối với việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến công chức của tỉnh cũng như nhân dân bằng nhiều kênh, hình thức đa dạng.
Thứ sáu, đối với công tác thi hành án, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan như: công an, tài nguyên và môi trường, tài chính… trên địa bàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là phối hợp trong thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; quan tâm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất hỗ trợ công tác tư pháp, thi hành án dân sự trên địa bàn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao tại địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan thi hành án dân sự cần tiếp tục phấn đấu giảm các bản án tồn, phải chuyển kỳ sau.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi làm việc.
“Tôi tin tưởng, năm 2024 và các năm tới, công tác tư pháp, thi hành án dân sự tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như chương trình công tác của ngành Tư pháp”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cảm ơn các ý kiến đóng góp của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng như các thành viên trong Đoàn công tác về công tác tư pháp và thi hành án dân sự.
“Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo nhằm thực hiện tốt công tác tư pháp và thi hành án dân sự, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Tuấn khẳng định.