Tổng kết Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010”

25/07/2011
Sáng ngày 20/7, Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia từ các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan và đại diện một số tổ chức hành nghề LS, doanh nghiệp về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” được phê duyệt theo Quyết định 544/QĐ-BTP (ngày 14/5/2008) của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến, sau 3 năm triển khai Đề án, dù rất nỗ lực nhưng Đề án mới tuyển được 8 học viên (chủ yếu là cán bộ, công chức) tham gia một số khóa đào tạo. Do Đề án được xây dựng trong một thời gian ngắn, chưa có điều kiện tổ chức khảo sát thực tiễn tại các nước dự kiến gửi chuyên gia pháp luật, LS đi đào tạo nên nội dung Đề án có một số bất cập dẫn tới tính khả thi chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Do đó, để triển khai Đề án đạt hiệu quả cao hơn, Bộ Tư pháp đã kiến nghị sửa đổi Đề án theo hướng: chỉ đào tạo luật sư, tập trung đào tạo ở Mỹ và Anh, giảm tiêu chuẩn về ngoại ngữ cho học viên, hỗ trợ kinh phí đào tạo cho luật sư…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, phải “gắn đào tạo với sử dụng nghĩa là đào tạo có mục tiêu, không dàn trải để tránh lãng phí”. Đồng thời, trong chương trình đào tạo, thời gian thực tập cần được gắn với mục tiêu nghề nghiệp của đối tượng tham gia như chuyên gia pháp lý hay LS.

Với những ý kiến đề cao hiệu quả của Đề án và chỉ ra những tồn tại, vướng mắc của quá trình thực hiện từ chính các học viên đã tham gia Đề án, các chuyên gia đều nhận định, dù còn nhiều khó khăn nhưng cần tiếp tục thực hiện Đề án trong thời gian tới để có được đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.

H.Giang