Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Ngành Tư pháp TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận

04/01/2024
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Ngành Tư pháp TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận
Sáng ngày 04/01/2024, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác tư pháp giữa nhiệm kỳ và triển khai chương trình công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021-2026) do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng các lãnh đạo, cán bộ, viên chức ngành Tư pháp trên địa bạn TP Hồ Chí Minh.
Nhiều kết quả đáng mừng trong công tác Tư pháp
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ nhiều niềm vui sau một năm hoạt động tư pháp diễn ra đầy tích cực, sôi nổi, hiệu quả.
Năm 2023, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã rà soát 1.360 văn bản QPPL kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 101 văn bản, tham mưu tư vấn về pháp lý cho chính quyền thành phố 484 vụ việc để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
 
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội nghị

Sở Tư pháp TP.HCM, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức đã tạo lập dữ liệu số hóa sổ hộ tịch 4 loại sổ gồm đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ con với tổng cộng 12,8 triệu hồ sơ được số hóa. Trong đó, có hơn 11,1 triệu hồ sơ đủ điều kiện chuyển chính thức lưu trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp và đã chuyển thành công hơn 10,7 triệu hồ sơ (đạt 97%).
Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp được quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, bảo đảm phục vụ nhu cầu lớn của người dân, chỉ riêng năm 2023, các tổ chức bán đấu giá trên địa bàn đã tổ chức đấu giá thành hơn 320 cuộc với tổng giá trị gần 1000 tỷ đồng chênh lệch gần 150 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Trong năm 2023, bảy phòng Công chứng trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện hơn 115.000 hồ sơ công chứng với tổng số phí thu được gần 93 tỉ đồng; chứng thực hơn 741.000 hồ sơ với tổng số phí thu được gần 4,5 tỉ đồng.
 
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023

Đánh giá của Bộ Tư pháp, mặc dù khối lượng công việc ngày càng nhiều, tính chất đa dạng, phức tạp, nhưng tập thể công chức, viên chức, người lao động của Tư pháp Thành phố đã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực. Với tinh thần đó, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã được Bộ Tư pháp đánh giá xếp hạng A (Xuất sắc) liên tục 14 năm gần đây và các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2023 được tặng danh hiệu “Cờ thi đua Ngành Tư pháp”.

Tư pháp TP Hồ Chí Minh cần nỗ lực giữ vững vị trí dẫn đầu về chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả tốt đẹp mà Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đạt được sau một năm phấn đấu.
Ngoài những kết quả đáng ghi nhận đã nêu trên, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến một số lĩnh vực mà ngành tư pháp TP Hồ Chí Minh đã thực hiện xuất sắc. Như là công tác thẩm định văn bản số lượng tương đối nhiều và vượt so với năm trước. Trong phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tư pháp đã tham gia với một tinh thần trách nhiệm cao, công tác chuyên môn chất lượng. Bộ trưởng cũng ghi nhận những kết quả tốt đẹp trong công tác chuyển đổi số tại ngành Tư pháp TP Hồ Chí Minh và đánh giá TP Hồ Chí Minh nằm top đầu chuyển đổi số trong ngành tư pháp. Theo Bộ trưởng, đó là những điểm sáng đáng được ghi nhận, biểu dương.
 
Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả mà Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đạt được sau một năm công tác.

Bộ trưởng bày tỏ nhất trí với các định hướng công tác, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Tư pháp TP Hồ Chí Minh trong năm 2024 và từ nay đến hết nhiệm kỳ, đồng thời đề nghị quan tâm, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Nhiệm vụ đầu tiên được Bộ trưởng giao phó, là ngành Tư pháp phải chủ trì và tham gia có trách nhiệm vào việc xây dựng các dự án luật quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp như Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng, Luật Luật sư. ..Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nhiều lần, dù bổ sung, sửa chữa thể nào, cũng cần phải giữ được các nguyên lý cơ bản, những giá trị phổ quát của văn minh pháp lý nhân loại, đồng thời nghiên cứu kĩ quan điểm của Bộ.
Bộ trưởng cũng lưu ý, trong công tác thẩm định, kiểm soát văn bản, ngành Tư pháp TP cần lưu tâm đến quy định mới của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. “Đó cũng chính là yêu cầu đặt ra, là nguyên lý để chúng ta giữ được bản lĩnh nghề nghiệp, rèn luyện được sắc bén về mặt chuyên môn nhưng phải đảm bảo an toàn trong nghề nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ thứ hai mà Bộ trưởng giao, là việc triển khai Nghị quyết 98. Thành phố đã có kế hoạch triển khai tương đối bài bản đến các cấp. Ngành Tư pháp sẽ phối hợp các sở ban ngành trong thực hiện một loạt các nhiệm vụ, có chủ trì, có phối hợp.
Thứ ba, Bộ trưởng đề nghị ngành tư pháp TP tiếp tục bằng những kinh nghiệm đã tích lũy được, cố gắng bám sát thực hiện nhiệm vụ đề ra trong chuyển đổi số, thực hiện đề án 06. Cố gắng làm sao để Tư pháp TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong chuyển đổi số.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ tư Bộ trưởng lưu ý là vấn đề giải quyết tranh chấp. Bộ trưởng đề nghị, trong phạm vi của mình, ngành tư pháp TP cần nghiên cứu cẩn trọng, tham mưu kĩ về vấn đề đầu tư, cổ đông và các vấn đề liên quan đến pháp lý của từng dự án để tránh rủi ro, thất thoát tiền cho đất nước.
Theo Bộ trưởng, Bộ đang cố gắng hướng đến việc cơ quan nào là chủ thể gây ra tranh chấp thì giao cho cơ quan đó giải quyết. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo thành phố cân nhắc vấn đề này để tránh gánh nặng cho ngành tư pháp, đem lại hiệu quả xử lý và đảm bảo được công bằng.
Nhiệm vụ thứ năm mà Bộ trưởng khá trăn trở là vấn đề pháp chế. Bộ trưởng đề nghị Thành phố tiếp tục quan tâm, Sở Tư pháp chú ý đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế, tổ chức và chọn được người có chuyên môn để phối hợp, làm tốt công tác tư pháp của thành phố, của Bộ ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đồng thời cho biết sẽ cùng lãnh đạo Sở Tư pháp nghiêm túc tiếp thu, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Bộ trưởng tại hội nghị.
 
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị

Ông Phan Văn Mãi đánh giá rất cao những kết quả mà ngành tư pháp TP.Hồ Chí Minh đã đạt được trong năm 2023, đồng thời đưa ra nhận xét, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh là một tập thể mà cán bộ, công chức đoàn kết, có chuyên môn rất tốt. Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cũng là nhân tố quan trọng, tham mưu có hiệu quả cao cho Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh, đóng góp thiết thực vào thành tích chung của thành phố, xứng đáng là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ Tư pháp trong năm qua.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đã trao tặng Cờ thi đua của Bộ Tư pháp cho Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh. Một số cá nhân đạt thành tích xuất sắc của ngành Tư pháp thành phố cũng đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...