Ninh Thuận: Đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững

18/12/2023
Ninh Thuận: Đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững
Chiều ngày 18/12/2023, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại tỉnh Ninh Thuận. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, có đồng chí Phan Tấn Cảnh - Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Ninh Thuận.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quyện – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được UBND tỉnh Ninh Thuận quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả tích cực. Công tác quản lý nhà nước về kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được thực hiện đầy đủ, đảm bảo theo đúng quy định, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL ở địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. 
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành văn bản, các cơ quan, đơn vị, tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng ngay từ khâu xây dựng văn bản đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, bảo đảm chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản. Vì vậy, tỷ lệ văn bản ban hành trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền thấp và chưa ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội tại địa phương. Việc xử lý văn bản có sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bay được thực hiện kịp thời. Hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn, kết quả xử lý theo quy định và có sự đồng bộ, thống nhất. 
Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, cơ bản công tác này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Qua rà soát, hệ thống hóa văn bản đã phát hiện các văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Từ đó, các sở, ban, ngành đã chủ động, kịp thời tham mưu trình HĐND, UBND tỉnh xử lý dưới hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan được chú trọng, đồng thời phát huy tốt vai trò của Sở Tư pháp là đầu mối tham mưu thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản.


Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận báo cáo tại buổi làm việc
 
Cùng với đó, các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện bước đầu được quan tâm, chú trọng, UBND đã có nhiều nỗ lực để củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp và đội ngũ làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế, bố trí kinh phí cho việc tổ chức thực hiện. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND, công tác quản lý nhà nước về  kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản; chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL của tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những kết quả tích cực.  
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại tỉnh Ninh Thuận còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc nhất định như một số văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chưa phù hợp pháp luật về thẩm quyền, nội dung, thể thức, kỹ thuật; Một số sở, ban, ngành còn chưa chủ động tham mưu thực hiện thường xuyên, kịp thời ngay khi có căn cứ rà soát; chưa chủ động trong tham mưu, xử lý kết quả rà soát. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác kiểm tra, rà soát văn bản, chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, còn xem đây là nhiệm vụ chuyên môn riêng của cơ quan Tư pháp. Nguồn lực bảo đảm cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL như kinh phí, nguồn nhân lực chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; công tác phát triển đội ngũ Cộng tác viên kiểm tra văn bản tại tỉnh Ninh Thuận còn hạn chế. 


Đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại buổi làm việc
 
Qua nghe báo cáo của địa phương, các thành viên trong Đoàn công tác cũng có phản hồi, yêu cầu cung cấp, làm rõ thêm những thông tin để có đánh giá tổng thể, khách quan về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như tình hình xử lý các văn bản chưa phù hợp với quy định; tình hình thực hiện kiểm tra, rà soát văn bản QPPL theo chuyên đề (địa bàn, lĩnh vực); tình hình tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế của các sở, ban, ngành; biên chế công chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; các khó khăn vướng mắc trong hệ thống hóa văn bản, xác định hiệu lực để xử lý; việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật… Về phía địa phương, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan đã bám sát nội dung, yêu cầu và bước đầu cung cấp các thông tin, tài liệu và trao đổi, trả lời những ý kiến, vấn đề Đoàn công tác đặt ra.
Thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã thông tin sơ bộ về kết quả kiểm tra theo xác suất các văn bản còn hiệu lực do HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành. Kết quả kiểm tra cho thấy bước đầu một số văn bản do HĐND, UBND ban hành còn chưa phù hợp về nội dung, thẩm quyền và hiệu lực; một số văn bản còn sai sót cần rà soát, xử lý theo quy định.
Trao đổi với các sở, ban, ngành tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Huy – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL ghi nhận những kết quả tỉnh đã đạt được trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Tuy nhiên, công tác này tại địa phương vẫn còn nhiều thiếu sót, vướng mắc, cần tiếp tục quan tâm, hoàn thiện. Do đó, ông Huy đề nghị UBND cần sớm nhận diện thực trạng và phát hiện các thiếu sót trong công tác tham mưu, ban hành văn bản QPPL tại địa phương để kịp thời khắc phục, sửa đổi phù hợp, đặc biệt tỉnh cần kịp thời xử lý ngay các văn bản chưa phù hợp với quy định đã được chỉ ra tại buổi làm việc; khắc phục tình trạng ban hành văn bản hành chính chứa quy phạm pháp luật, nghiên cứu cách thức dẫn chiếu văn bản QPPL phù hợp về nội dung, đúng thẩm quyền. Đồng chí Phó Trưởng đoàn cũng đề nghị UBND cần quan tâm hơn nữa tới các điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL như sửa đổi quy định về bố trí nguồn kinh phí cho công tác này, bổ sung kinh phí, nguồn nhân lực đủ chuyên môn, trình độ triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần đảm bảo tính hiệu quả, chất lượng trong công tác tham mưu, ban hành văn bản của các sở, ban, ngành và cơ sở. 
Đối với các kiến nghị của địa phương về những khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định trong Luật Ban hành văn bản QPPL và các Nghị định hướng dẫn thi hành, các quy định trong các lĩnh vực khác, Đoàn ghi nhận và đánh giá cao những kiến nghị xác đáng, vướng mắc mang tính thực tiễn đang triển khai tại địa phương. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Đoàn kiểm tra sẽ tổng hợp và đề xuất sửa đổi, bổ sung để kịp thời xử lý các vướng mắc về mặt thể chế tại địa phương.


Phó chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận phát biểu chỉ đạo.
 
Trao đổi với Đoàn công tác, ông Phan Tấn Cảnh - Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Bên cạnh đó, ông Cảnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của địa phương đồng thời thông tin về một số vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật gây khó khăn trong cách hiểu, áp dụng pháp luật của địa phương. Tỉnh trân trọng cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến góp ý cụ thể và bổ ích của Đoàn cho địa phương về các nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh; việc ban hành các văn bản quy định chi tiết của các sở, ban, ngành địa phương.
Đối với kiến nghị của Đoàn kiểm tra về tăng cường công tác kiểm tra theo lĩnh vực tại địa bàn, Phó Chủ tịch tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kip thời tham mưu, hướng dẫn và khắc phục tình trạng sai sót trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL tại tỉnh hiện nay, nhất là những sai sót về ban hành văn bản hành chính có chứa QPPL. Đối với các văn bản được Đoàn kết luận tại buổi làm việc, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.


Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu chỉ đạo.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá Ninh Thuận với lợi thế là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Tây nguyên và Nam Trung bộ, có nhiều lợi thế nổi trội về kinh tế, du lịch biển. Với tầm quan trọng về vị trí địa lý cũng như tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật để vừa phù hợp với văn bản cấp trên (Luật, Nghị định, Thông tư) vừa phải phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương là nhiệm vụ khó khăn. Trên cơ sở báo cáo và nội dung kiểm tra, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo HĐND, UBND và kết quả đạt được trong công tác ban hành văn bản của tỉnh trong thời gian qua. Về cơ bản, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. 
Qua nội dung trao đổi tại buổi làm việc có thể thấy, công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được quan tâm thực hiện. Qua đó, chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản QPPL của tỉnh Ninh Thuận đã có những điểm tích cực, đáng ghi nhận. Công tác xử lý các văn bản trái pháp luật sau khi nhận được kết luận của Bộ Tư pháp đã được thực hiện kịp thời. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản QPPL; Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác tư pháp thực hiện thường xuyên, phổ biến đến nhiều đối tượng. Về cơ bản, công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền đã được tỉnh Ninh Thuận thực hiện tốt, bài bản đúng quy định, qua đó, góp phần đảm bảo trật tự an ninh luôn ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật
Để bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị HĐND, UBND, các sở, ban, ngành cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế trong thực hiện nhiệm vụ công tác tại các cấp, các ngành, địa phương; tiếp tục quán triệt, “tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu” trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
HĐND tỉnh Ninh Thuận cần tăng cường giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, thẩm tra, ban hành văn bản QPPL, nhất là nhiệm vụ thẩm tra dự thảo văn bản QPPL theo thẩm quyền. UBND tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan tham mưu như Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản QPPL, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kịp thời xử lý các văn bản đã được Đoàn Kiểm tra kết luận tại buổi làm việc và thông báo kết quả xử lý văn bản cho Bộ Tư pháp trong thời hạn quy định.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị tính chủ động, trách nhiệm của các Sở, ngành chuyên môn trong công tác tự rà soát văn bản QPPL do chính cơ quan mình ban hành; phối hợp chặt chẽ, huy động sự tham gia của Sở Tư pháp trong công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL ngay từ khâu lập đề nghị, soạn thảo văn bản để kịp thời phát hiện và xây dựng văn bản chất lượng, phù hợp, khả thi, đúng quy định.
Bên cạnh nhiệm vụ kiểm tra theo lĩnh vực, chuyên đề, UBND cần chú trọng kiểm tra văn bản QPPL theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn bám sát các Nghị quyết, nhiệm vụ, kế hoạch của HĐND; quyết định về theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành do Thủ tướng ban hành hàng năm để xác định lĩnh vực kiểm tra phù hợp, sát nhiệm vụ, qua đó, tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của công tác này trên thực tế.
Tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này, thông qua các hoạt động như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các sở, ban, ngành, địa phương; theo dõi chặt chẽ tình hình, tiến độ xử lý văn bản trái pháp luật sau khi kết luận, kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật theo thẩm quyền; tăng cường cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý các thông tin báo chí, dư luận xã hội, người dân, doanh nghiệp phản ánh về văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật để kịp thời kiểm tra, xử lý...
Thứ trưởng chia sẻ về những khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí và đội ngũ làm công tác pháp chế của địa phương. Cùng với đó, đề nghị UBND tiếp tục quan tâm, tăng cường năng lực và các điều kiện bảo đảm cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại các sở, ban, ngành, cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ngành trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.
Tiếp thu ý kiến của Đoàn Công tác, ông Phan Tấn Cảnh cảm ơn sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương đã chia sẻ, góp ý và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của địa phương để từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Đề nghị Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành hoàn thiện báo cáo, bổ sung các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của đoàn công tác.