Hoàn thiện các quy định pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

13/10/2023
Hoàn thiện các quy định pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Sáng 13/10, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì phiên họp.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an – Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, qua hơn 15 năm triển khai thi hành Luật Tương trợ Tư pháp (TTTP) năm 2007, công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã đạt nhiều kết quả tích cực; góp phần bảo đảm quyền con người của người bị kết án và nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong Luật TTTP năm 2007 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn; cơ chế phối hợp của các cơ quan trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù chưa cụ thể;…
Vì vậy, việc xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cần thiết nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, dễ tiếp cận; tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng và thực hiện chính sách của Nhà nước về cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh đó, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật TTTP hiện hành; nâng cao hơn tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động chuyển giao người chấp hành án phạt tù trong giai đoạn hiện nay; góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Cần đánh giá tác động của các chính sách trên các khía cạnh khác nhau
 

Đại diện Văn phòng Chính phủ.

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Văn phòng Chính phủ nhất trí cần thiết phải xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; tuy nhiên cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý tên gọi các chính sách cho phù hợp, bao hàm được nội dung của chính sách; xác định cụ thể vai trò của Bộ Công an trong việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
 

Đại diện Bộ Tài chính.

Đại diện Bộ Nội vụ bổ sung thêm, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần có đánh giá chi tiết và làm rõ nguồn nhân lực để bảo đảm không tăng tổ chức bộ máy và biên chế (hưởng lương từ ngân sách nhà nước); làm rõ thêm về hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cơ quan nào thực hiện; đồng thời không quy định các nội dung về tổ chức, bộ máy trong Luật.
 

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
 
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá đây là vấn đề khó, có tác động đến nhiều lĩnh vực; qua đó nhấn mạnh cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ các nội dung chính sách để vừa đảm bảo yếu tố chính trị, vừa thể hiện mục đích nhân đạo, phù hợp với đường lối đối ngoại của nước ta. Đồng thời, nội dung các chính sách đề nghị xây dựng Luật cũng cần phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc kết luận phiên họp.

Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; đặc biệt cần đánh giá đầy đủ, chính xác việc thực hiện chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo Luật TTTP năm 2007; từ đó chỉ ra những nội dung nào trong dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là mới, những nội dung nào là kế thừa; đồng thời đánh giá tác động của các chính sách trên các khía cạnh (kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật) đối với từng đối tượng khác nhau.
 
Anh Thư - Trung tâm Thông tin