Hoàn chỉnh khung pháp lý về tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

05/10/2023
Hoàn chỉnh khung pháp lý về tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Chiều 5/10, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc thể hiện dưới hình thức các Phái bộ được Liên hợp quốc cử đến các khu vực đã tạm dừng xung đột hoặc đã có thỏa thuận hòa bình để GGHB tại các khu vực này. Đây là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc dựa vào nguồn lực và lực lượng do các nước thành viên đóng góp, thể theo những quy định về an ninh tập thể của Hiến chương Liên hợp quốc.
 

Đại diện Bộ Quốc phòng trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
 
Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã cử 786 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ GGHB của Liên hợp quốc tại Phái bộ UNMISS (Nam Xu-đăng), Phái bộ MINISCA (Cộng hòa Trung Phu), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei),… Các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, Chỉ huy Phái bộ, Chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn, quá trình tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế như: Hiến pháp năm 2013 mới chỉ quy định chủ trương về việc “tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”; chưa quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, trần quân hàm, chế độ, chính sách cho chức danh Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại Phái bộ; ….
Vì vậy, việc xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc là cần thiết nhằm hoàn chỉnh khung pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, Hiến pháp, pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo hợp lý chế độ chính sách; rút ngắn quy trình, thủ tục pháp lý trong việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng; xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý về sự cần thiết xây dựng Luật, phạm vi điều chỉnh, tên và nội dung các chính sách, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ với hệ thống pháp luật…
 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc kết luận cuộc họp.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc, tính toán kỹ để đảm bảo yếu tố chính trị và phù hợp với đường lối đối ngoại của nước ta. Thứ trưởng yêu cầu nội dung các chính sách đề nghị xây dựng Luật cần phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, phù hợp Hiến pháp, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ nguồn lực về con người, tài chính để sẵn sàng thực hiện công việc này; đặc biệt cần thiết lập cơ chế quản lý thống nhất để vừa đảm bảo đặc thù của các lực lượng khác nhau khi tham gia GGHB vừa đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ huy.
 
Luật Tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc được xây dựng theo 3 chính sách: (1) Hoàn thiện thể chế về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc; (2) Hoàn thiện cơ chế triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc; (3) Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm nguồn lực, chế độ chính sách đối với hoạt động GGHB Liên hợp quốc.