Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 3: Pháp luật xử lý vi phạm hành chính

22/06/2011
Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 3: Pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Sáng 22/6, Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 3. Mục đích của Diễn đàn lần này nhằm chia sẻ, cập nhật những thông tin và trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các nội dung liên quan đến pháp luật xử lý vi phạm hành chính – một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay.

Tham dự Diễn đàn có ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp; ông Christophe Bahuet, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hiện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, một số Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo luật, Cơ quan đại diện ngoại giao một số nước, các tổ chức quốc tế…

 

 

 

 

Trong những năm qua, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (PLXLVPHC) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả các VPHC ở nước ta, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập.

 

Tuy nhiên, qua 8 năm thực hiện, PLXLVPHC năm 2002 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế đòi hỏi phải khẩn trương được giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu của việc phòng, chống VPHC đang diễn ra ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Vì  vậy, việc xây dựng pháp luật về XLVPHC cũng cần phải đảm bảo tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với các Công ước quốc tế về bảo vệ quyền con người mà chúng ta đã ký kết hoặc gia nhập. Do đó, việc nghiên cứu toàn diện về lý luận và thực tiễn để hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật hiện nay.

 

 

 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên cho biết: Dự án Luật XLVPHC là một Dự án luật duy nhất được Liên Hợp Quốc lựa chọn đồng hỗ trợ thí điểm theo cơ chế Một Liên Hợp Quốc. Cũng chính vì thế, tại Diễn đàn lần này các đại biểu sẽ được nghe và thảo luận về Bình luận của Liên Hợp Quốc về Dự thảo Luật XLVPHC. Bản Bình luận này khá toàn diện, trong đó tập trung vào các góp ý cho quy định về Các biện pháp xử lý hành chính, đồng thời đề xuất một số giải pháp áp dụng các quy định mang tính chuẩn mực quốc tế. Thứ trưởng khẳng định: những kinh nghiệm quốc tế mà Liên Hợp Quốc đã chia sẻ sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để cân nhắc, lựa chọn, áp dụng trong quá trình xây dựng Dự án Luật XLVPHC.

 

 

 

P.V.N.M

Dự án Luật XLVPHC: Bổ sung hình thức xử phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng

Ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp trong bài tham luận về “Một số vấn đề cơ bản của Dự án Luật XLVPHC” cho biết: Dự án này gồm có 6 phần với 10 Chương, 9 Mục và 154 Điều, trong đó có 10 nội dung mới, bao gồm:

1. Bổ sung một số nguyên tắc mới như nguyên tắc xử lý công khai; nguyên tắc đảm bảo pháp chế trong quá trình xử lý; nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật; bổ sung quy định về hiệu lực của Luật XLVPHC đối với hành vi VPHC ở ngoài lãnh thổ Việt Nam

2. Quy định trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm của các cơ quan giúp Chính phủ theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, thống kê và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về XLVPHC

3. Bổ sung 3 hình thức xử phạt: buộc lao động phục vụ cộng đồng, đình chỉ có thời hạn hoạt động sẳn xuất kinh doanh dịch vụ, buộc học tập các quy định của pháp luật có liên quan đến vi phạm. Bổ sung 4 biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC gây ra: buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm

4. Quy định cụ thể và chi tiết hơn mức tiền phạt tối đa trong các lĩnh vực xử phạt VPHC; đưa ra phương án hạn chế bớt số lượng các Nghị định xử phạt VPHC đồng thời góp phần khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo về phạm vi điều chỉnh của các Nghị định này.

5. Cho phép Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền cao hơn (tối đa không quá 2 lần mức phạt chung) ở khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc TW trong lĩnh vực giao thông, môi trường, trật tự quản lý đô thị.

6. Quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức xử phạt tiền tối đa và thẩm quyền phạt tiền trong trường hợp có biến động về giá cả.

7. Đổi mới quy định về thủ tục xử phạt VPHC nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền của cá nhân, tổ chức bị xử phạt được tham gia và giải trình các vấn đề liên quan đến vụ vi phạm của mình; quy định cho phép tính thêm 0,5% trên tổng số tiền phạt cho mỗi ngày nộp phạt chậm trước khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm khắc phục tình trạng cố tình dây dưa việc nộp phạt của cá nhân, tổ chức vi phạm.

8. Quy định luật sư, người đại diện hơp pháp của đối tượng vi phạm thực hiện việc giải trình bằng văn bản về việc VPHC theo ủy quyền của đối tượng vi phạm hoặc tham gia phiên giải trình trực tiếp trong trường hợp đối tượng vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức chế tài nghiêm khắc, ảnh hưởng lớn đến quyền cơ bản của công dân.

9. Sửa đổi quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục và đưa vào cơ sở chữa bệnh).

10. Dự án Luật đã dành một phần riêng để quy định về việc xử lý VPHC đối với người chưa thành niên, trong đó gồm các quy định về hình thức xử lý VPHC và các biện pháp thay thế xử lý VPHC.