Ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau phát biểu mở đầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong thời gian buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chịu trách nhiệm trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nội dung chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn:
Thứ nhất, Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thứ hai, Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ ba, Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản và công tác giám định tư pháp.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội thuộc các Đoàn đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp một số vấn đề liên quan như: Làm rõ giải pháp tổng thể, đột phá trong xây dựng thể chế? Quan điểm của Bộ trưởng trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp, phân quyền? Nguyên nhân chính của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm trong công tác tham mưu xây dựng thể chế? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật? Giải pháp và trách nhiệm của Bộ nhằm khắc phục tình trạng chậm và nợ VBQPPL trong thời gian tới? Trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật? Chế tài xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật? Giải pháp khắc phục hạn chế trong triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh? Có dấu hiệu của lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng ban hành chính sách không, giải pháp khắc phục?
Các Đại biểu đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp
Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó có gần 3.000 nhân lực pháp chế chuyên trách và gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Có 89 tổ chức pháp chế ở trung ương và địa phương là 65 phòng pháp chế. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực này rất mỏng và khó đáp ứng được yêu cầu; một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế. Hiện nay, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định số 55 sửa đổi, trong đó điều quan trọng nhất là xây dựng chức danh “pháp chế viên” từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này.
Liên quan đến kinh phí, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42. Theo đó, quy định cụ thể về mức chi cho quá trình xây dựng luật, nghị định, thông tư…Nhìn chung, mức chi la thấp và để có mức chi cải thiện theo Thông tư 42 là cả một quá trình. Quan điểm của Bộ trưởng là cố gắng thu xếp trong khuôn khổ Nhà nước hỗ trợ.
Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thẩm quyền kiểm tra văn bản đã tương đối rõ, trong đó thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản – những chủ thể được quyền trình luật. Ngoài thẩm quyền chung, có thẩm quyền tự kiểm tra và rà soát.
Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng khẳng định, phân cấp nói chung đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp, tuy nhiên vấn đề khó là các quy định về phân cấp con quyền nằm rất nhiều ở các luật chuyên ngành. Vì vậy, trong quá trình phân cấp có những nơi phân cấp về thẩm quyền nhưng thủ tục không có, đây là điểm vướng. Nếu có văn bản riêng về phân cấp sẽ khó có thể sáng lọc những nội dung đã được quy định trong các văn bản hiện hành. Vì vậy, cố gắng thể chế hóa tốt hơn các quy định của Hiến pháp và trong quá trình sửa đổi các luật chuyên ngành phân cấp từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Trả lời câu hỏi đại biểu liên quan đến vấn đề sợ trách nhiệm, Bộ trưởng khẳng định có tình trạng này, nhưng để lượng hóa rất khó, có tình trạng đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc do tổ chức thực hiện. Bộ trưởng cho rằng, do không xem xét các vấn đề trên tổng thể mà đổ lỗi do pháp luật; một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình” hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, hành chính hóa.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp
Về Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay có 2 Nghị định của Chính phủ đã ban hành, cùng với 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 24 Thông tư. Các nội dung cơ bản liên quan đến việc lập và giao chương trình mục tiêu quốc gia, giao vốn, thực hiện dự án xây dựng, Bộ Tư pháp thẩm định cũng gặp sức ép về thời gian. Còn một số kiến nghị liên quan đến nhóm quy phạm văn bản pháp luật này, đề nghị có cơ chế về quản lý các chương trình; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn triển khai… Tuy nhiên, về cơ bản các văn bản đã được ban hành cơ bản đáp ứng được việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, với một số vướng mắc Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề giám định, đây là vấn đề có tính chuyên môn, nhưng chi phí giám định chỉ là 180.000/người, như vậy rất thấp và từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được cải thiện. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhận thấy, Tòa án Nhân dân tối cao đang soạn thảo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Pháp lệnh Chi phí Tố tụng giám định.
Đoàn đại biểu tại các điểm cầu đặt vấn đề chất vấn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Về vấn đề rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho biết, kể từ báo cáo số 442 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước, đến nay Bộ đã trình thêm 10 báo cáo rà soát khác nhau, trong thời gian ngắn tới, các đơn vị sẽ trình Quốc hội báo cáo rà soát tới hơn 22 lĩnh vực. Điều này đặt ra một số vấn đề, bởi công việc rà soát cần có thời gian để thực hiện, khi rà soát cần có trao đổi để có phương án sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, trách nhiệm rà soát thuộc các bộ, ngành, đơn vị cũng cần được nâng cao. Theo Bộ trưởng, một trong những công việc quan trọng cần thực hiện là cần rà soát lại những kiến nghị, để tránh trùng lặp, ngoài ra cần tập trung cao độ để chuẩn bị cho báo cáo sắp tới trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế… Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng cũng cho biết, Quy định 69 về xử lý, kỷ luật tổ chức Đảng đối với Đảng viên là công cụ rất mạnh, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.
Các Đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Liên quan đến lĩnh vực đấu giá tài sản, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, có tình trạng trong thi hành án dân sự, tuy đã được thực hiện đấu giá, nhưng chưa giao được. Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, trong thi hành án dân sự có gần 2.000 vụ đấu giá, trong đó mới chỉ giao được hơn 1.300, còn hơn 600 vụ chưa giao được. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng, đấu giá tài sản và thi hành án dân sự chỉ là 2 lĩnh vực pháp luật được áp dụng quy định về giao tài sản đấu giá. Còn có các quy định liên quan đến đất đai, quản lý tài sản công… nên hai lĩnh vực này là chưa đủ, mà phải tính đến quy định pháp luật trong lĩnh vực khác.
Một nguyên nhân khác, qua các vụ việc cụ thể, Bộ trưởng cho rằng, có những vụ bán đấu giá đến 6 lần nhưng không ai mua, do nhiều yếu tố khác nhau: thẩm định ngân hàng đánh giá văn phòng, mảnh đất, cơ sở sản xuất có sát giá không… Thực tế, tình hình kinh tế xã hội cả nước trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng. Trình tự thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự.Bộ cũng đã có kiến nghị sửa đổi trong Luật Đấu giá tài sản và sắp tới là Luật Thi hành án dân sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp diễn ra rất sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn, đặt nhiều câu hỏi, tập trung vào những vấn đề thuộc nội dung chất vấn, đi sâu vào vấn đề đại biểu và cử tri cả nước, cũng như dư luận xã hội quan tâm và mong muốn có những giải pháp tốt hơn để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới, nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn của ngành Tư pháp.
Với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng, lĩnh vực quản lý đã từng có kinh nghiệm trả lời chất vấn nhiều lần nên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, giải trình cụ thể những vấn đề đại biểu quan tâm tranh luận. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian tới, nhất là tập trung vào các khâu, nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của Bộ Tư pháp theo đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như mong muốn của cử tri và Nhân dân cả nước.
Thu Nga - Trung tâm Thông tin