Họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Bộ Tư pháp

02/08/2023
Họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Bộ Tư pháp
Chiều 02/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án 06 trong tháng 7/2023 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2023, đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ cho biết, về nhiệm vụ rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật triển khai Đề án số 06, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các thành viên Nhóm thường trực của Tổ công tác (Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 08 cuộc họp cho ý kiến độc lập, chuyên sâu về kết quả rà soát và đề xuất xử lý của của 14 bộ, cơ quan ngang bộ theo từng lĩnh vực, nhóm lĩnh vực quản lý nhà nước.
Hiện nay, Cục Kiểm tra VBQPPL đang tiến hành tổng hợp, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện và gửi kết quả rà soát VBQPPL phục vụ triển khai Đề án 06 theo tiến độ. Tính đến ngày 31/7/2023, Cục đã nhận được thông tin, báo cáo của 11/24 bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và 39/63 địa phương.
 

Đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ báo cáo tại phiên họp
  
Đối với nhiệm vụ tổng hợp, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong tháng 7, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 06/7/2023 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó, có nhiều dự án luật để triển khai thực hiện Đề án 06.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05 liên quan đến nội dung “nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi về phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến” (do Bộ Tài chính chủ trì), ngày 06/7/2023, Cục Kế hoạch - Tài chính đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký văn bản số 2837/BTP-KHTC gửi Bộ Tài chính về việc báo cáo rà soát, các khoản phí, lệ phí hiện hành và đề xuất mức thu đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất miễn phí chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; miễn lệ phí đối với thủ tục đăng ký nuôi con nuôi trong nước ở vùng sâu, vùng xa khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; giảm 10% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp khi thực hiện trực tuyến. 
Về kết nối Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong tháng 7, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Công nghệ thông tin tiếp tục phối hợp với Bộ Công an duy trì, bảo đảm kết nối, cung cấp đầy đủ, ổn định nguồn thông tin đầu vào (dữ liệu đăng ký khai sinh) cho CSDLQGDC, bảo đảm cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh theo quy định. Về việc thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng): Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã hoàn thiện biểu mẫu bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử theo yêu cầu (có nội dung đầy đủ như bản giấy, có QRCode, chữ ký số); chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện chức năng tạo lập bản điện tử bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử của Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, gửi cho Phần mềm dịch vụ công liên thông để triển khai trên toàn quốc từ ngày 10/7/2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 97/NQ-CP. 
Trên cơ sở báo cáo nêu trên, đồng chí Lê Tuấn Phong nhấn mạnh cần khẩn trương đôn đốc các Bộ, ngành gửi kết quả rà soát để kịp thời tổng hợp, báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL đúng thời hạn trong tháng 8/2023; Tại Bộ Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp khẩn trương gửi kết quả rà soát theo yêu cầu Đề án 06 về Văn phòng Bộ để tổng hợp, gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL; Tiếp tục rà soát, công bố thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, trong đó thể hiện rõ việc khai thác thông tin công dân tư Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp không thể khai thác được thì mới sử dụng các phương thức khác quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022; Khẩn trương tham mưu, thực thi phương án đơn giản hóa theo yêu cầu tại Nghị quyết số 58/NQ-CP đảm bảo đúng thời hạn hoàn thành trước tháng 9/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đồng chí Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho ý kiến tại phiên họp
 
Cơ bản nhất trí với báo cáo đã nêu, đồng thời cho ý kiến về việc triển khai đề án 06 liên quan đến lĩnh vực Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đồng chí Nhâm Ngọc Hiển, Phó cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhận định cơ bản các địa phương đã thực hiện tốt, chủ động trong việc triển khai thực hiện với số lượng tài khoản tính đến ngày 31/7 thì có 25000 tài khoản được tạo mới. Tuy nhiên, do số lượng tài khoản người dùng trên Hệ thống và việc tạo lập tài khoản ban đầu cho đơn vị hành chính cấp xã khá nhiều, nên dẫn đến một số Sở Tư pháp bị chậm (như thành phố Hà Nội). 
Qua đó, đồng chí kiến nghị cần có cơ chế phản ánh kèm số liệu cụ thể từ các địa phương liên quan đến kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như quá trình số hóa, địa phương phản ánh tình trạng chậm còn diễn ra. Đối với trường hợp nhập dữ liệu trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 1 số địa phương đã nhập xong nhưng cấu trúc dữ liệu trích xuất ra không phù hợp, dẫn đến không nhập được vào Cơ sở dữ liệu Hộ tịch, nên địa phương chưa khai thác được. Theo đó, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an chỉnh sửa phần mềm để bảo đảm cấu trúc dữ liệu phù hợp.
Tại phiên họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng đã trao đổi, thảo luận về việc triển khai Đề án 06.
 
 
 
 
 

Đại diện các đơn vị cho ý kiến tại phiên họp
 
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần có sự thay đổi, phối hợp, chủ động để kịp thời báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ, từ đó thống nhất thông tin, phương án để tổng hợp lại trong Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát nhằm có phương hướng thực hiện cụ thể. Về mặt triển khai các dự án công nghệ thông tin liên quan đến đề án 06 (Hộ tịch điện tử, trợ giúp pháp lý,..) Cục Công nghệ thông tin cần chủ động báo cáo, tham mưu lãnh đạo Bộ phụ trách để có những chỉ đạo sát sao, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đáp ứng  những yêu cầu đã đề ra.
 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận phiên họp
 
Thu Nga