Củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ

22/06/2023
Củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ
Sáng 22/6, tại UBND tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Uỷ viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ Phú Thọ về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ và quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/07/2022 của Bộ Chính trị về “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới”.
Về phía Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ có đồng chí Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Thị Nhung, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, các lãnh đạo và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh đã trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức, hoạt động của Hội Luật gia tỉnh; đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/07/2022 của Bộ Chính trị về “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới”.
 
Đồng chí Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại buổi làm việc
 
Theo báo cáo về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, Hội Luật gia tỉnh và các cấp Hội đã tham gia đóng góp trên 860 lượt ý kiến vào các dự án Luật và văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, các ngành và địa phương; thẩm định, kiểm tra, rà soát trên 260 văn bản quy phạm pháp luật.
Các cấp Hội Luật gia trong tỉnh đã đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tư vấn trực tiếp tại trụ sở, tư vấn qua điện thoại, tư vấn bằng văn bản… Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ đã tiến hành hàng nghìn lượt tư vấn cho nhân dân trên địa bàn tỉnh về các lĩnh vực: thuế, cải chính hộ tịch, thi hành pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, đất đai, môi trường…
 

Đồng chí Trần Thị Nhung, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ phát biểu tại buổi làm việc.
 
Về công tác hoà giải, hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã có 2328 tổ hoà giải với 14054 hoà giải viên. Bình quân mỗi năm, các tổ hoà giải tiến hành hoà giải trên 1500 vụ việc. Năm 2022 đã tiếp nhận 1750 vụ việc; hoà giải thành 1312 vụ việc (đạt tỷ lệ 75%); trong quý I/2023 tiếp nhận 420 vụ việc, hoà giải thành 335 vụ việc (đạt tỷ lệ 80%).
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với Đề án xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh luôn bám sát và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương; thu được kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong 4 năm (từ tháng 10/2019- tháng 5/2023) Hội Luật gia tỉnh và Hội Luật gia huyện, thành thị, chi Hội Luật gia trực thuộc đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL được 2755 buổi cho trên 97000 lượt người tham dự.
Cùng với kết quả đạt được, Lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh cũng đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, ngày 01-7-2022, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Chỉ thị yêu cầu giới luật gia Việt Nam cần tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động, nỗ lực, tích cực, nâng cao trách nhiệm nhiều hơn nữa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung mà Đảng, Nhà nước đề ra.
 

Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Uỷ viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.
 
Cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh về tổ chức; thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Luật gia, tập trung hướng về cơ sở, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp Hội; nâng cao chất lượng tham gia xây dựng pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thi hành pháp luật; tích cực thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nhất là cho người nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa; tham gia công tác tiếp dân, giải quyết tranh chấp ngoài toà án, hoà giải ở cơ sở...
Đồng thời, Hội Luật gia phải phát huy vai trò của mình trong công tác đối ngoại nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới; Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, phát huy Hội Luật gia Việt Nam tham gia tích cực, hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật…
Thứ trưởng nhấn mạnh đây là các nhiệm vụ quan trọng mà Hội Luật gia Việt Nam cần tập trung chỉ đạo, nắm bắt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chỉ thị này tại Hội Luật gia địa phương.
PV