Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo thế chủ động cho Thủ đô

12/05/2023
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo thế chủ động cho Thủ đô
Chiều 11/5, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết cuộc họp được tổ chức trong thời gian Chính phủ đang đề nghị bổ sung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 - tháng 10/2023, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024). Tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng với thời gian gấp, đồng thời với việc đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thành lập sớm Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp
 
Cuộc họp tập trung vào 03 nội dung chính bao gồm: Công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; Xem xét, thông qua Kế hoạch soạn thảo dự án Luật; Thảo luận, cho ý kiến về mục đích, quan điểm, định hướng lớn và dự kiến một số nội dung chính của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo Quyết định được công bố tại cuộc họp, Trưởng Ban soạn thảo là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các Phó Trưởng Ban soạn thảo bao gồm: Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn. 
Tổ trưởng Tổ biên tập là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, các Phó Tổ trưởng là Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn và Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến.
Thay mặt Tổ thường trực giúp việc cho Ban soạn thảo, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến đã trình bày tóm tắt Báo cáo về mục đích, quan điểm, định hướng lớn và dự kiến một số nội dung chính của dự thảo Luật.
Theo đó, dự kiến bố cục gồm: Quy định chung; Tổ chức chính quyền TP. Hà Nội; Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô; Điều khoản thi hành. 
 




Các đại biểu đóng góp ý kiến tại cuộc họp
 
Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo đã góp ý các vấn đề về chính quyền đô thị tại Thủ đô; thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính-ngân sách cho phát triển của Thủ đô; xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô; văn hóa, giáo dục – đào tạo; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển nông nghiệp; về y tế, hệ thống an sinh xã hội; về vùng Thủ đô và một số nội dung khác về quy định nguyên tắc áp dụng luật, điều khoản chuyển tiếp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, trong đó có việc xây dựng Đề án triển khai với thời gian hoàn thành năm 2023. Về nội dung này, để đảm bảo tiến độ, ông Sơn mong muốn thành viên Tổ biên tập tham gia tích cực để kịp thời thể chế hóa các nội dung được giao tại Nghị quyết vào việc xây dựng dự án Luật; làm rõ thẩm quyền nào của các Bộ đang quản lý có thể phân quyền cho Hà Nội để Hà Nội chủ động hơn trong giải quyết công việc.
Tiếp thu các ý kiến, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh 9 nhóm vấn đề đã được thành viên Chính phủ thống nhất cao, giờ cần cụ thể hóa và đảm bảo tính khả thi. Ông Thanh cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông chính sách về quá trình xây dựng dự án Luật, ngay cả với thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập.
 

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc họp
 
Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm của một số lĩnh vực, với quy mô 10 triệu dân, địa bàn rộng lớn. Vì vậy để thực hiện được trọng trách đã được quy định tại Hiến pháp đồng thời làm tốt công tác quản trị, Hà Nội cần có thêm một số thẩm quyền và nguồn lực”, ông Thanh nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị cần bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật. Cần lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh sẵn có của Thủ đô. Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của Hà Nội. Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng đề nghị Tổ thư ký ghi chép đầy đủ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên nêu tại cuộc họp.
 
Lê Huy