Tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

12/04/2023
Tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
​Chiều 12/4, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên thẩm định.
Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ
Báo cáo tại phiên thẩm định, đồng chí Trịnh Đức Trọng - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua hơn 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình trọng điểm, hiện đại đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như các tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các hầm Đèo Cả, Hải Vân, Cù Mông, các cầu lớn vượt sông, biển như cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, Bạch Đằng, Cao Lãnh, Vàm Cống… đến nay đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống quốc lộ cơ bản đã hoàn thiện, gồm hệ thống các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm cũng như hệ thống đường vành đai, từng bước hình thành mạng lưới giao thông đường bộ kết nối thuận lợi với hệ thống cao tốc và đường địa phương; các trục quốc lộ cơ bản đã kết nối đến các cảng biển loại I và các cửa khẩu  quốc tế, thuận lợi cho giao lưu đối ngoại.
 

Đồng chí Trịnh Đức Trọng - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp.
 
Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn nhận định, quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật (Luật Giao thông đường bộ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư PPP, Luật Xây dựng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...) vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ bao gồm cả phương thức đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã bộc lộ những vướng mắc, chưa khơi thông được nguồn lực đầu tư, đầu tư chưa đồng bộ, chưa theo tiến độ quy hoạch, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là cần thiết nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (nhà nước, tư nhân, trung ương, địa phương), tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ theo chủ trương của Đảng và nhà nước.

Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách
Để đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết thí điểm, đại diện Bộ Xây dựng đề xuất quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP như sau: “Việc xác định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP không quá 50% được tính trên tổng mức đầu tư dự án nhưng không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và không được vượt quá 65%”. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị quy định rõ tiêu chí xác định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đủ năng lực làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình.
 

Đại diện Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại phiên họp.
 
Cơ bản nhất trí với 3 nhóm chính sách được đề xuất, đại diện Bộ Nội vụ đề xuất ban soạn thảo cần làm rõ việc xác định địa phương khác lân cận trong trường hợp dự án đầu tư liên quan đến nhiều địa phương tại quy định “Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án thống nhất việc sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác lân cận để đầu tư dự án liên kết vùng”.
Cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, đại diện Ban soạn thảo hứa sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện Hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới.
Tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí cần ban hành Nghị quyết thí điểm của Quốc hội để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; tuy nhiên ban soạn thảo cần nhấn mạnh, làm rõ nội dung sự cần thiết của Nghị quyết tại Tờ trình và thời gian thực hiện thí điểm.
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên thẩm định.
 
Bên cạnh đó, bản chất của dự án thực hiện theo phương thức PPP là nhằm huy động vốn của nhà đầu tư, vốn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung khi nguồn vốn đầu tư của nhà nước còn hạn chế; vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP chỉ mang tính chất hỗ trợ. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo có đánh giá tác động kỹ lưỡng khi quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, tránh làm mất đi bản chất của phương thức PPP. Thứ trưởng cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ các quy định về đầu tư bổ sung các hạng mục nằm trong phạm vi dự án PPP đang khai thác nhưng chưa được đầu tư trong dự án PPP; đánh giá mang tính định lượng về dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua; đồng thời hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách.
 
Dự thảo Nghị quyết gồm 08 Điều, tập trung vào 3 chính sách: (1) tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP; (2) việc giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc; (3) giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án dự án liên kết vùng qua địa bàn hai tỉnh và hỗ trợ vốn cho địa phương khác.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin