Đẩy mạnh nguồn cung nhà ở XH cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân KCN

30/03/2023
Đẩy mạnh nguồn cung nhà ở XH cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân KCN
Sáng 30/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng dự.
Giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề an sinh xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ và đã được thể hiện trong các văn kiện, Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. 
Thực hiện các chủ trương của Đảng về chính sách nhà ở xã hội, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương ban hành.  Đến nay, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội về cơ bản đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhiều sự đổi mới có tính đột phá để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là các cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ cho việc phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội, bao gồm đối tượng là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn nhận định, sau gần 13 năm triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội, các chính sách nhà ở xã hội đã được ban hành tại Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn một số bất cập, vướng mắc ngay trong quy định và trong triển khai thực hiện. 
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở; đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
 
Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu tại phiên họp.
 
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng nội dung Nghị quyết tập trung giải quyết 6 nhóm chính sách lớn, bao gồm: (1) Chính sách về đất đai để xây dựng nhà ở xã hội; (2) Chính sách về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; (3) Chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; (4) Chính sách về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; (5) Chính sách về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; (6) Chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.
 
Cần đánh giá chi tiết tác động của chính sách đối với xã hội
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chính sách đưa vào Nghị quyết của Quốc hội cần được lựa chọn trên các tiêu chí: có tính cấp bách, giải quyết khó khăn vướng mắc và có hiệu quả ngay đối với việc phát triển nhà ở xã hội; các chính sách đạt được sự đồng thuận tương đối trong quá trình lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở. Đối với quy định lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, đồng chí đề nghị ban soạn thảo làm rõ khái niệm quyền sử dụng đất hợp pháp, trong đó lưu ý các trường hợp đất nhà nước cho các doanh nghiệp thuê, đất các doanh nghiệp cổ phần hóa đã được giao quản lý và sử dụng mà các doanh nghiệp đề nghị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ ảnh hưởng tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nguồn thu ngân sách nhà nước và các vấn đề khác có liên quan nên cần đánh giá tác động và lựa chọn các trường hợp cụ thể. Đồng thời, để đảm bảo tính thực thi của Nghị quyết, đồng chí đề nghị quy định rõ khái niệm về nhà lưu trú công nhân và tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tối thiểu đối với nhà lưu trú công nhân.
 

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết.
 
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an đề nghị bổ sung đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân, công an để đảm bảo đồng bộ với dự thảo Luật Nhà ở đang được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng cần làm rõ quy định định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội.
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp.
 
Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sự cần thiết xây dựng Nghị quyết thí điểm trong bối cảnh Luật Nhà ở đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét; đánh giá dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua; hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Ban soạn thảo cân nhắc sắp xếp lại 06 nhóm chính sách đã nêu trong dự thảo và nghiên cứu thêm các giải pháp thực hiện chính sách, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng giải pháp; bên cạnh đó cần tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các cơ quan chịu tác động trực tiếp của Nghị quyết.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin