Tổng kết, đánh giá kết quả Dự án "Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào”

24/12/2022
Tổng kết, đánh giá kết quả Dự án "Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào”
Sáng 24/12, Học viện Tư pháp Việt Nam và Học viện Tư pháp Lào phối hợp tổ chức Hội nghị lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Dự án “Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào” nhằm đánh giá kết quả thực hiện Dự án và chuẩn bị lễ tổng kết, công bố, bàn giao sản phẩm, đóng dự án từ năm 2018 tới năm 2022.
Đồng chủ trì Hội nghị có bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Việt Nam và ông Kệt Sạ Ná-Phôm Mạ Chăn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án tại Lào. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với hai điểm cầu Hà Nội – Viêng Chăn.  
Theo báo cáo tổng kết Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào, Dự án đã hoàn thành, thực hiện thành công 100% các hoạt động, đạt được 100% các mục tiêu đã được đề ra trong Văn kiện Dự án. Cụ thể, hệ thống các chương trình đào tạo, chương trình môn học, giáo trình, tài liệu và bộ hồ sơ tình huống cho Học viện Tư pháp Quốc gia Lào được xây dựng công phu, nghiêm túc, bài bản, đạt chất lượng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, ưu tiên hàng đầu của hai Bộ Tư pháp như: xây dựng pháp luật, thi hành án dân sự, công chứng, hòa giải các tranh chấp thương mại, trọng tài thương mại, phổ biến, giáo dục pháp luật và đào tạo các chức danh tư pháp.
Dự án đã giúp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Lào nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong khuôn khổ Dự án, hai Bên đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng và phương pháp giảng dạy cho phía Lào, qua đó góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên, các chức danh tư pháp, đội công chức làm công tác pháp luật, tư pháp Lào. Ngoài ra, Dự án đã quản lý, sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Lào đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật của hai nước và đúng Thỏa thuận Quy chế tài chính của hai Chính phủ Việt Nam và Lào.  
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Dự án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn còn chậm; một số nhiệm vụ chuyên môn có lúc, có khi chưa đạt như kế hoạch; tiến độ, khối lượng, chất lượng các sản phẩm lúc đầu còn hạn chế dẫn đến phải gia hạn Dự án thêm 02 năm; tỷ lệ giải ngân còn chậm. 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá về những những kết quả đạt được, mức độ hoàn thành mục tiêu của Dự án, những khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời thống nhất các nhiệm vụ, công việc chuẩn bị cho Lễ Tổng kết, công bố, bàn giao sản phẩm và đóng Dự án hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào dự kiến tổ chức vào chiều 29/12/2022 tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào.  
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Ban Quản lý Dự án hai bên khẩn trương, tích cực tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, đặc biệt là những ý kiến kết luận, chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo hai bên để chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo tổng kết Dự án, các hồ sơ, tài liệu và tiếp tục chuẩn bị đầy đủ các thủ tục, điều kiện cần thiết cho việc tổ chức Lễ tổng kết, công bố, bàn giao sản phẩm và đóng Dự án hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại Hội nghị.
 
Khẩn trương hoàn thành việc đóng gói các sản phẩm, kết quả của Dự án để tổ chức công bố, bàn giao kết quả Dự án và hoàn tất thủ tục đóng Dự án theo đúng quy định. Thứ trưởng cũng yêu cầu ngay sau Lễ tổng kết, công bố, bàn giao sản phẩm và đóng Dự án hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào, Ban Quản lý Dự án hai bên cần khẩn trương hoàn tất cả thủ tục thanh quyết toán, lập Báo cáo tài chính của Dự án theo quy định của mỗi bên và Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Thành công của hoạt động này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước nói chung, đưa hoạt động hợp tác giữa hai Bộ ngày càng chuyên sâu, hiệu quả và có chất lượng” – Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh. 
Thứ trưởng Kệt Sạ Ná-Phôm Mạ Chăn khẳng định những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm được trang bị trong khuôn khổ Dự án không chỉ phục vụ trực tiếp công việc chuyên môn đang đảm nhiệm mà còn là kiến thức, kinh nghiệm để đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp Lào nghiên cứu, đề xuất đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Lào trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật nói riêng và chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước của Lào nói chung.
Thành công của Dự án là hoạt động ý nghĩa nhất để chào mừng các sự kiện trọng đại của hai Đảng, hai Chính phủ và hai Bộ Tư pháp, góp phần gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Lê Huy - Trung tâm Thông tin