Ngày 19/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023. Hội nghị gồm 2 phiên, phiên buổi sáng là Hội nghị nội bộ với các Sở Tư pháp, phiên buổi chiều là Hội nghị toàn thể. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dự và chỉ đạo Hội nghị nội bộ với các Sở Tư pháp. Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các Giám đốc Sở Tư pháp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sở Tư pháp thực hiện tốt vai trò là người gác cổng về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị địa phương
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long vui mừng nhận thấy, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, của ngành Tư pháp và của từng địa phương, năm 2022, các mặt công tác của Bộ, ngành đã được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác với cách làm hiệu quả, linh hoạt, bám sát chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp, phù hợp với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhiều lĩnh vực công tác đạt kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến so với năm trước. Theo đó:
Các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là người gác cổng về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị địa phương, từng bước tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện khá toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực. Các lĩnh vực truyền thống của Bộ, ngành Tư pháp (xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật) tiếp tục được thực hiện bài bản, nền nếp, đồng bộ và ngày càng hiệu quả, sát thực tiễn hơn. Nhiều địa phương đã tham mưu nhiều mô hình mới, cách làm hay, linh hoạt và đạt kết quả cao.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị phiên nội bộ
Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp nhất là lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được chú trọng và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung, đầu tư nguồn lực triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được tăng cường, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa, phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Vai trò, tính chuyên nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số mặt công tác trong thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định. Bộ trưởng cũng đồng tình với các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng như các giải pháp mà đại biểu các Sở Tư pháp đã phát biểu tại Hội nghị.
Tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế phục vụ phát triển kinh tế địa phương
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các Sở Tư pháp:
Tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó lưu ý lồng ghép thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành tư pháp được giao.
Toàn cảnh Hội nghị
Tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế phục vụ phát triển kinh tế, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại từng địa phương. Chú trọng thực hiện truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản, nhất là tại các địa phương phát hiện nhiều văn bản trái quy định của pháp luật; xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra để kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm
Bộ trưởng đề nghị các Sở Tư pháp cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhạy cảm, phức tạp; Chủ động rà soát, đề xuất vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật về công chứng, luật sư, đấu giá... để tập trung hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ của Đề án 06/QĐ-TTg; tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó lưu ý vai trò, tầm quan trọng của dữ liệu hộ tịch trong việc cung cấp thông tin đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, tăng cường xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu LLTP, bảo đảm thông tin LLTP luôn được cập nhật đầy đủ, kịp thời.
Kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế
Các Sở tư pháp cần tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh/ thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính vừa được ban hành, trong đó lưu ý các quy định về thẩm quyền, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm tra liên ngành tình hình THPL về xử lý VPHC; Tham mưu cho Tỉnh quan tâm kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế; tăng cường biên chế cho Sở, Phòng Tư pháp và Tư pháp hộ tịch cấp xã, đáp ứng được yêu cầu công việc. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã nhằm chuẩn hóa đội ngũ này theo quy định của Luật Hộ tịch.
Các đại biểu dự Hội nghị
Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên môn các cấp đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Tư pháp
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở Tư pháp cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tư pháp; Tiếp tục duy trì, chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ, ngành Tư pháp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bộ, Cổng Dịch vụ công của các địa phương; Đề nghị Cục Công nghệ thông tin quan tâm hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các Phần mềm, CSDL liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin của Bộ, ngành Tư pháp.
An Như – Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp