Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải thực chất, hiệu quả

14/12/2022
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải thực chất, hiệu quả
Chiều 13/12, tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình, đồng thời yêu cầu việc lấy ý kiến phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, thời gian lấy ý kiến từ ngày 30/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023.
Lấy ý kiến đến hết ngày 15/3/2023
Trình bày Tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện Kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về trình QH xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ TNMT nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan. Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung lấy ý kiến nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo QH…
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của QH, Chính phủ, Bộ TNMT và các các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật và các hình thức khác phù hợp. Chính phủ đề xuất, thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/ 2023.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, thực tế có ít đạo luật tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do đó cần làm rõ việc lấy ý kiến nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, việc xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức tổ chức để bảo đảm lấy ý kiến nhân dân thiết thực, hiệu quả, thực chất.
Với tinh thần là “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm”, theo Chủ tịch QH, vấn đề khác là cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức. Chủ tịch QH lưu ý, các cơ quan của QH không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về mà các cơ quan của QH cũng cần có sự chủ động tham gia cùng với đó phát huy vai trò giám sát. 
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản thống nhất mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình. UBTVQH đề nghị Chính phủ xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của Luật khi áp dụng. 
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân được dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân để tập trung vào những nội dung cần thiết, phù hợp. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 30/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023…
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh tham dự Phiên họp.
 
Tiếp tục chỉ định luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên
Trước đó, sáng cùng ngày, ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, UBTVQH tiến hành cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi). Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.
Thừa ủy quyền của Chánh án TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi), thay thế Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13.
Phân tích sự cần thiết ban hành Pháp lệnh sửa đổi, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến nêu các vấn đề cần xin ý kiến UBTVQH. Theo đó, về quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (NCTN), đa số ý kiến tán thành dự thảo Pháp lệnh và cho rằng NCTN bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Song cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NCTN mà Pháp lệnh số 09 đang quy định. Vì quy định này không phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 của Luật Luật sư “Luật sư có nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu”. 
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09.
Đối với nội dung chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NCTN, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với TANDTC và cho rằng, NCTN thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án. Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định luật sư trong trường hợp NCTN không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình chuẩn bị và chất lượng dự án Pháp lệnh, các nội dung cơ bản được các cơ quan thống nhất và đủ điều kiện để UBTVQH xem xét thông qua tại Phiên họp lần này. Về quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NCTN, Chủ tịch QH bày tỏ thống nhất cao với ý kiến của Tòa án và Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ như Pháp lệnh năm 2014 và cho rằng cần phải nhấn mạnh quy định này phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế về vấn đề đối với NCTN như Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu Liên Hợp quốc về tư pháp NCTN…
Cuối phiên làm việc, 100% các thành viên có mặt đã nhất trí biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi).
 
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nêu rõ Bộ Tư pháp nhất trí hoàn toàn về sự cần thiết cũng như các đánh giá trong Báo cáo thẩm tra về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi). Hồ sơ dự án Pháp lệnh đã bảo đảm đầy đủ theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhận thấy, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách còn quá sơ sài (chưa xác định rõ vấn đề bất cập, các giải pháp đề xuất được đưa ra chưa có sự phân tích, đánh giá mang tính thuyết phục, việc đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của các giải pháp cũng chưa được thực hiện…). Do vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý Báo cáo đánh giá tác động của chính sách theo đúng yêu cầu của Luật BHVBQPPL.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số quy định của dự thảo Pháp lệnh chưa bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng để triển khai trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định rõ thời hạn Tòa án trả lại hồ sơ đề nghị để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, đồng thời, bổ sung quy định việc trả lại này phải có văn bản và nêu rõ lý do trong văn bản trả lại.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ “ngày công bố quyết định” tại dự thảo Pháp lệnh và “ngày quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực” theo Điều 107 Luật Xử lý vi phạm hành chính giống nhau không. Trường hợp giống nhau, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại dự thảo Pháp lệnh cho phù hợp với quy định tại Điều 107 Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu trên. Trường hợp hai nội dung này là khác nhau, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ, sau khi gửi quyết định theo quy định tại dự thảo Pháp lệnh, Tòa án có thực hiện việc gửi quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hay không…
 
T.Quyên