Tư pháp Kon Tum: thực hiện tốt vai trò "gác cổng" pháp lý

14/04/2022
Tư pháp Kon Tum: thực hiện tốt vai trò "gác cổng" pháp lý
Chiều ngày 13/4, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đã có những đánh giá cao về những nỗ lực vượt bậc của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum trong những năm qua…

Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Kon Tum có ông Nguyễn Đức Tỵ - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh; ông Trần Minh Thắng – Giám đốc Sở Tư pháp; cùng nhiều cán bộ các phòng ban, chuyên môn của Sở, huyện về tham dự.

Tại buổi làm việc; ông Vương Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã thay mặt Sở báo cáo những thành tích; kết quả cũng như những khó khăn, hạn chế của ngành Tư pháp tỉnh nhà với Thứ trưởng cũng như thành viên đoàn công tác.

Theo đó, trong thời gian qua công tác tư pháp của tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chương trình kế hoạch công tác của Chính phủ, Bộ Tư pháp và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các lĩnh vực công tác tư pháp được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tốt, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được đặt ra trong chương trình trọng tâm công tác; thực hiện vai trò quan trọng trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội địa phương góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, kịp thời tuyên truyền phổ biến các nội dung liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid – 19 bằng các hình thức phù hợp. Tổ chức bộ máy của ngành tư pháp ngày càng được kiện toàn, công chức, viên chức thường xuyên được cử đi tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…

Bên cạnh, những thành quả đạt được, công tác tư pháp tại địa phương cũng có những mặt khó khăn, hạn chế nhất định. TDo ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 những năm qua nên việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, phổ biếnVBQPPL bị hạn chế. Kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dành cho các hoạt động nghiệp vụ tư pháp của tỉnh Kon Tum còn rất hạn hẹp; điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động tư pháp của tỉnh nhà. Ngoài ra, nhiều quy định, nghị định, Luật, Luật sửa đổi, bổ sung… liên quan đến các công tác tư pháp vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể khiến việc thực hiện tại địa phương còn gặp nhiều lúng túng, chậm chạp…

Sau khi, lắng nghe báo cáo công tác tư pháp của lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum; Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã chia sẻ với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid cũng như những khó khăn rất đặc thù của Kon Tum là tỉnh miền núi, nằm ở ngã ba Đông Dương, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Qua theo dõi và báo cáo của địa phương, Thứ trưởng nhận thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã có nhiều cố gắng, khẩn trương triển khai toàn diện, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ và Tỉnh, nhiều lĩnh vực công tác đạt kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến so với năm trước như:

Sở Tư pháp Kon Tum đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là người gác cổng về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị của Tỉnh.

Các lĩnh vực truyền thống của Bộ, ngành (xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL) tiếp tục được thực hiện đồng bộ; đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Chương trình, Kế hoạch triển khai, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng. Công tác PBGDPL có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện về địa lý và dân cư của Tỉnh.

Công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm, đẩy mạnh; năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở từng bước được nâng cao.

Các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp như công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả; đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp được triển khai được thực hiện tương đối hiệu quả, bảo đảm trật tự, kỷ cương; việc xã hội hóa một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và chúc mừng những thành tựu mà Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã đạt được. Đặc biệt, rõ ràng nhất chính là Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã có những bước nhảy vượt bậc trong bảng đánh giá xếp hạng tư pháp của cả nước: từ hạng C năm 2017 thăng lên hạng A năm 2021; hiện đang xếp hạng 49/63 tỉnh thành trên toàn quốc…

Bên cạnh, việc biểu dương những kết quả đạt được, thì Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót mà Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum cần nỗ lực hoàn thiện. Cụ thể, Số lượng và chất lượng công chức tại Sở và các Phòng Tư pháp các huyện, thành phố còn thấp hơn bình quân chung cả nước; số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; Số lượng tổ chức hành nghề công chứng chưa nhiều, phân bổ chưa đồng đều.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục bám sát và kịp thời thể chế hóa đầy đủ các Chủ trương lớn của Đảng, của Chính phủ và các định hướng trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ Tỉnh phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế xã hội của Tỉnh.

Hai là, chủ động tham mưu, giúp UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và chùm hơn 30 Nghị định sửa đổi, bổ sung gần 80 Nghị định quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh, có giải pháp, chính sách phát triển đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động công chứng, đấu giá tài sản.

Năm là, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp.

Sáu là, về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ngành Tư pháp được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Quyết định số 06/QĐ-TTg, nhất là những nhiệm vụ được giao cho ngành Tư pháp trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.

Tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch (đặc biệt là đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử) được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật hộ tịch và cập nhật kịp thời trên Phần mềm dùng chung của Bộ. Việc số hóa, điều chỉnh, sửa chữa, huỷ bỏ thông tin, dữ liệu hộ tịch điện tử phải được thực hiện theo quy định pháp luật về hộ tịch.

Bảy là, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định.

Tám là, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành và các hoạt động dịch vụ công nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Nguyễn Luật

baophapluat.vn