Sáng ngày 07/4/2022, Bộ Tư pháp (với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội kết hợp với hình thức trực tuyến qua ứng dụng Zoom tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Thanh Hóa và một số địa phương khác.
Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam và Ông Ola Karlman, Đại diện Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự trực tiếp tại Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, như: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Cần Thơ... Đồng thời, Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế như UNICEF, ILO, IOM… và tham dự trực tuyến của các Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội tại một số địa phương.
Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã nhấn mạnh: chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm; đồng thời gợi ý 3 định hướng để chuẩn bị nội dung Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam (theo yêu cầu của Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ), gắn với các nhiệm vụ, giải pháp triển khai, bao gồm: (i) hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (ii) thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật liên quan; và (iii) nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội.
Tại Phiên làm việc đầu tiên về Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Nguyễn Hưng Quang, chuyên gia độc lập, Trưởng Nhóm nghiên cứu đã trình bày tham luận “Giới thiệu về dự thảo Báo cáo đánh giá cơ sở quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam”. Sau đó, ông Livio Sarandrea, Cố vấn trưởng toàn cầu về Kinh doanh và Quyền con người của UNDP trình bày tham luận “Kinh doanh có trách nhiệm: Chương trình nghị sự nhằm đảm bảo phát triển bền vững và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam”.
Tại Phiên làm việc thứ hai về thảo luận các nội dung, giải pháp xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam, với sự tham dự thảo luận của ông Nguyễn Thanh Tú (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Chủ trì Phiên thảo luận); ông Ngọ Duy Hiểu (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam); ông Phan Đức Hiếu (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội); bà Bùi Thu Thủy (Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư); bà Đinh Thị Bích Xuân (Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và bà Lương Thị Minh Nguyệt (Chủ tịch Hợp tác xã Sức sống xanh), các đại biểu đã trao đổi về thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, như: tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng về kinh doanh có trách nhiệm; hoàn thiện chính sách và pháp luật của nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và hậu Covid-19 gắn với việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triên kinh tế - xã hội; nhà nước cần đưa ra các cơ chế khuyến khích để thúc đẩy các sáng kiến từ chính cộng đồng doanh nghiệp cũng như đưa ra các hướng dẫn, bộ công cụ đánh giá về kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp; làm rõ mối quan hệ giữa Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam với các Chương trình hành động quốc gia khác có liên quan… Phiên thảo luận cũng nhận được nhiều chia sẻ, đánh giá, nhận xét có chất lượng, trên tinh thần xây dựng từ các đại biểu tham dự tại điểm cầu chính ở Hà Nội và qua zoom.
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, sự tham gia của các đại biểu tham dự và khẳng định các thông tin, ý kiến tại Hội thảo rất có giá trị để Nhóm chuyên gia hoàn thiện, tiến tới công bố “Báo cáo đánh giá cơ sở quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam”, từ đó làm dữ liệu đầu vào để xây dựng Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục các hoạt động tham vấn liên quan và mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp, chia sẻ của các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội để chung tay xây dựng, hoàn thiện Đề án, nhất là đề xuất được các nhiệm vụ, giải pháp khả thi, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp để đưa vào Đề án./.