Hoà Bình: Tăng cường thanh tra hoạt động nghề tư pháp

31/03/2022
Hoà Bình: Tăng cường thanh tra hoạt động nghề tư pháp
Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp Hoà Bình sáng ngày 31/3.

Khó tạo nguồn bổ nhiệm một số chức danh tư pháp

Báo cáo kết qủa công tác, Giám đốc Sở Tư pháp Hoà Bình Bùi Thị Thuý Bình cho biết, công tác Tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế -xã hội và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của tỉnh.

Các cơ quan Tư pháp đã triển khai thực hiện tốt việc xây dựng văn bản, kiểm tra văn QPPL, kết quả thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng; công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính đi vào nền nếp và có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được duy trì và hướng về cơ sở; việc xã hội hóa được tiếp tục đẩy mạnh đã phục vụ đắc lực hơn nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính; đẩy mạnh trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; lĩnh vực hành chính tư pháp đã giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân; thực hiện tốt việc trực tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh. Những kết quả nêu trên đã đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Về những khó khăn của công tác tư pháp, Giám đốc Sở cho biết, người làm công tác pháp chế và công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện phần lớn là kiêm nhiệm nên việc xây dựng văn bản QPPL còn gặp nhiều hạn chế. Hiện Hoà Bình khó tạo nguồn bổ nhiệm một số chức danh tư pháp như công chứng viên. Công tác luân chuyển cán bộ cũng gặp nhiều khó khăn do những tiêu chuẩn “cứng” về bổ nhiệm cán bộ. Nhiệm vụ giao cho ngành Tư pháp ngày càng tăng, trong khi khó khăn về biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid vẫn đang tác động đến tiến độ và chất lượng công tác của ngành được giao.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Hoà Bình kiến nghị Bộ Tư pháp kiến nghị với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức rà soát các văn bản được phân công quy định chi tiết để kịp thời ban hành văn bản nhằm bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; Tăng cường sự chỉ đạo và phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; Cần có hướng dẫn cụ thể về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế tại địa phương; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động công chứng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của địa phương, tổ chức hành nghề công chứng...

Tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu

Tại buổi làm việc, đại diện các phòng chuyên môn đã phản ánh thêm một số khó khăn trong công tác như công tác xây dựng, thẩm định văn bản; đấu giá tài sản do các bất cập của quy định pháp luật về tiền đặt cọc thấp và chế tài xử lý vi phạm với “quân xanh quân đỏ” chưa đủ mạnh; khó khăn trong công tác vì thiếu kinh phí; biên chế mỏng…

Các vấn đề nói trên đã được bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC và TDTHPL, ông Lương Nhân Hoà, Phó Giám đốc Trung tâm LLTPQG giải đáp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận những kết quả trong công tác tư pháp của Hoà Bình trong điều kiện biên chế có hạn, công việc nhiều, ảnh hưởng dịch bệnh; đòi hỏi chất lượng công việc ngày càng cao…Hoà Bình cũng xuất hiện nhiều điểm sáng trong công tác, được đánh giá xếp hạng cao, đạt nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng của Bộ, ngành và tỉnh.

Nhất trí cao với nhiều đề xuất được nêu, Bộ trưởng nhấn mạnh, tỉnh cần quan tâm tham gia kịp thời có chất lượng, có trách nhiệm với những công việc chung của Bộ đang triển khai trong năm nay như sửa đổi Luật Công chứng; Luật Đấu giá tài sản…Bên cạnh các công việc thường xuyên, những việc cá biệt, cụ thể Sở Tư pháp cần phân định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình để chủ động trong công tác tham mưu.

Trong các hoạt động về nghề tư pháp (công chứng, đấu giá, luật sư..), Sở cần chú trọng thanh tra, đặc biệt thanh tra đột xuất; tham gia tích cực có hiệu quả vào công cuộc chuyển đổi số, chủ động sớm cần kết nối với địa phương và Trung ương; lưu ý các vấn đề liên quan đến hộ tịch, cơ sở hộ tịch hình thành trên cơ sở luật định và là tài sản nhà nước, các thông tin phải lấy giấy khai sinh làm gốc.

Thu Hằng