Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp, các ngành và toàn xã hội

21/01/2022
Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp, các ngành và toàn xã hội
Sáng nay (21/01), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Cùng dự Hội đồng thẩm định có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy.
Báo cáo tại Hội đồng cho biết: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2008. Việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật PCBLGĐ đã đưa Việt Nam là một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện các điều ước quốc tế, kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực trái với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xóa bỏ những hủ tục, tư tưởng lạc hậu để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Sau 14 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm PCBLGĐ không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) đều bị lên án và xử lý. Tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực.
Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, song tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an, kết quả điều tra này còn cho thấy năm 2019, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). Từ thực trạng tình hình BLGĐ nêu trên cho thấy việc ban hành Luật PCBLGĐ (sửa đổi) là thực sự cần thiết.
 

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo tại Hội đồng thẩm định
 
Theo đó, nội dung Luật PCBLGĐ (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm:
Chính sách 1: Các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ;
Chính sách 2: Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ;
Chính sách 3: Khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ.
Nội dung dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) đã phù hợp với 03 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020.
Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) gồm 7 chương, 79 điều. So với Luật PCBLGĐ năm 2007, Dự thảo Luật tăng 1 Chương và 33 Điều.Trong đó: 04 Điều được giữ nguyên; 33 Điều được sửa đổi, bổ sung; 42 Điều được quy định mới.
Tại Hội đồng, đa số các đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và thể hiện kỳ vọng sau khi Luật ban hành sẽ được áp dụng hiệu quả. Qua đó, các đại biểu cũng đã góp ý đối với từng nội dung cụ thể của dự thảo luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính tương thích, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
 

 
Nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCBLGĐ, phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhận định, thủ tục của dự thảo Luật đã tuân thủ theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL hiện hành nhưng cũng cần rà soát thêm về nội dung báo cáo đánh giá tác động, báo cáo về thủ tục hành chính, báo cáo về lồng ghép giới... Thứ trưởng cũng bày tỏ sự nhất trí cao với mục đích, định hướng, quan điểm xây dựng dự thảo Luật.
Về tính hợp hiến, theo Thứ trưởng, các quy định trong dự thảo Luật hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, tuy nhiên cân nhắc rà soát đảm bảo không vi phạm khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013. Nội dung dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính hợp pháp và phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ trưởng cũng lưu ý, do nội dung dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình có nội dung liên quan đến nhiều Luật ở các lĩnh vực khác nhau (như: Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Luật hòa giải, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật, Luật Trẻ em...) nên cần rà soát kỹ lưỡng đảm bảo phù hợp, thống nhất với nội dung các Luật có liên quan. Đồng thời, cân nhắc bổ sung, làm rõ thêm về sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước trong công tác hỗ trợ, bảo vệ cho nạn nhân BLGĐ...