Gắn kết hoạt động truyền thông với quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

09/12/2021
Gắn kết hoạt động truyền thông với quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Chiều ngày 09/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã có buổi làm việc với các đơn vị về dự thảo Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) giai đoạn 2022-2027".
Báo cáo tại cuộc họp Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết: Thực tiễn triển khai Luật ban hành văn bản QPPL cho thấy, pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ, hoàn thiện về việc phổ biến, thông tin, truyền thông về chính sách tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng, thi hành VBQPPL. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động thông tin, phổ biến, truyền thông về chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo VBQPPL chủ yếu thực hiện đăng trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác PBGDPL chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, cụ thể là chủ yếu thực hiện phổ biến, tuyên truyền đối với các VBQPPL mới được ban hành.Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông, phổ biến các chính sách có tác động lớn đến xã hội từ sớm, từ xa, ngay từ khâu lập đề nghị và soạn thảo VBQPPL một cách đồng bộ, bài bản, hiệu quả… Sự thiếu hụt này đã ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo VBQPPL nói chung và trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo VBQPPL của các cơ quan chủ trì soạn thảo nói riêng; làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính công khai, minh bạch của văn bản, giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách sau khi được ban hành.
 

 
Vì vậy, việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” là rất cần thiết và cấp bách.
Góp ý về một số nội dung của dự thảo Đề án, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Vấn đề chung về xây dựng pháp luật nhấn mạnh đến phạm vi thực hiện Đề án là phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Theo đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Đề án góp phần vô cùng quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận đối với chính sách của người dân, doanh nghiệp. Đồng chí cũng góp ý cụ thể đối với tên gọi, nhiệm vụ và giải pháp, tổ chức thực hiện… của Đề án.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Quỳnh Liên, truyền thông là một vấn đề mới, chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật hiện hành nhưng lại gắn kết chặt chẽ trong quá trình xây dựng VBQPPL. Vì vậy, nội dung của Đề án cần xác định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, phạm vi thực hiện Đề án... Đối với thời điểm truyền thông, Phó Vụ trưởng Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng cần xác định hoạt động truyền thông diễn ra thông suốt từ khi tổ chức lấy ý kiến lập đề nghị cho đến khi Dự thảo văn bản pháp luật được thông qua và ban hành.
 

 
Sau khi nghe các ý kiến dự họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với tên gọi, cơ sở pháp lý, phạm vi, thời điểm bắt đầu của Đề án. Bộ trưởng cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng lại nội dung liên quan đến Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; yêu cầu cố gắng làm rõ nội hàm truyền thông, lưu ý vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông…
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và Bộ trưởng chỉ đạo đối với các nội dung trong công tác chuẩn bị Phiên họp thứ nhất Hội đồng đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương về thời gian, địa điểm, nội dung phiên họp… Đồng thời, cho ý kiến đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.